Sức khỏe doanh nghiệp
Vinaconex: Sau kiểm toán, doanh thu đạt 2.341 tỷ đồng, lãi ròng 248,8 tỷ đồng
Kỳ Thành - 04/09/2021 10:42
Do ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp gần 40 tỷ đồng thay vì được hoàn nhập dự phòng 44 tỷ đồng như trong báo cáo tự lập khiến lãi ròng sau kiểm toán của Vinaconex giảm nhẹ 11%.
Trong nửa đầu năm, tổng tài sản của Vinaconex tăng mạnh thêm hơn 10.000 tỷ đồng.

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG - HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét hợp nhất bán niên năm 2021, trong đó nhiều chỉ tiêu có sự điều chỉnh so với báo cáo tự lập được công bố cuối tháng 7.

Theo đó, doanh thu thuần 6 tháng sau soát xét của Vinaconex đạt 2.341 tỷ đồng, trong khi tại báo cáo tự lập là hơn 2.360 tỷ đồng. Lãi sau thuế sau soát xét đạt 248,8 tỷ đồng, giảm 11% (tương đương hơn 30 tỷ đồng) so với báo cáo công ty tự lập.

So với báo cáo tự lập, lãi liên doanh liên kết và lợi nhuận khác đều tăng mạnh, nhưng nguyên nhân chính dẫn tới lãi sau thuế của Vinaconex giảm mạnh sau kiểm toán là bởi công ty ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp 39,7 tỷ đồng, thay vì được hoàn nhập dự phòng hơn 44 tỷ đồng như trong báo cáo tự lập.

Theo thuyết minh tại báo cáo soát xét, Vinaconex ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh gần 40 tỷ đồng chủ yếu do khoản hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi ít hơn so với báo cáo tự lập là gần 80 tỷ đồng.

Như vậy, sau soát xét, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex nửa đầu năm 2021 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, Vinaconex dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 12.230 tỷ đồng, tăng 41% so với kết quả thực hiện năm 2020 và lãi sau thuế đạt 1.008 tỷ đồng. Như vậy, Vinaconex đã thực hiện được 25% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại thời điểm 30/06/2021, tổng tài sản hợp nhất của Vinaconex ghi nhận 30.126 tỷ đồng, tăng hơn 10.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 42% so với đầu năm, lên gần 2.828 tỷ đồng.

Ngoài ra, các khoản phải thu khác ngắn hạn, phải thu khác dài hạn của công ty cũng tăng. Cụ thể, trong nửa đầu năm, Vinaconex đã chi hơn 2.662 tỷ đồng đặt cọc mua cổ phần của các công ty là bên liên quan và được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Khoản phải thu khác dài hạn tăng mạnh từ 15,4 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2020 lên 2.200 tỷ đồng, là khoản góp vốn hợp tác kinh doanh đầu tư dự án phân khu CT02 thuộc Khu đô thị Cái Giá Cát Bà với đơn vị liên kết là Công ty cổ phân Đầu tư và phát triển Du lịch Vinaconex.

Do vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2021 là 7.439 tỷ đồng, không có nhiều biến động so với thời điểm đầu năm, nên phần chênh lệch tăng thêm của tổng nguồn vốn được ghi nhận chủ yếu vào phần nợ phải trả.

Tin liên quan
Tin khác