Hiện có không ít cá nhân, tổ chức sẵn sàng bỏ hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phần VCG mà SCIC bán ra.
58% vốn điều lệ mà SCIC nắm giữ tại Vinaconex tính theo giá trị sổ sách là 2.552 tỷ đồng. Cá nhân, tổ chức nào mua trọn lô cổ phần này, gần như nắm quyền chi phối Vinaconex và có thể gia tăng tỷ lệ sở hữu bởi cổ đông lớn thứ hai của Vinaconex là Tập đoàn Viettel (nắm 21,3% vốn) cũng từng lên tiếng muốn thoái vốn tại đây. Kể từ khi thông tin SCIC sẽ thoái toàn bộ vốn tại VCG được công bố chính thức, thị giá cổ phiếu VCG đã tăng khoảng 30%, đạt 13.300 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/6/2016).
Nếu tính theo thị giá và giá trị sổ sách cổ phiếu VCG, lô cổ phần này có giá khởi điểm gần 1.500 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, nhưng không phải quá lớn với các “đại gia” muốn đầu tư, quan trọng là họ sẽ nhận được gì khi bỏ ra số tiền này?
Nếu SCIC tổ chức đấu giá công khai toàn bộ lô cổ phiếu VCG, kỷ lục của Khách sạn Kim Liên rất có thể sẽ bị phá vỡ |
Hiện Vinaconex có 25 đơn vị thành viên có vốn góp chi phối. Trong đó, nhiều đơn vị có năng lực thi công xây dựng và triển khai dự án bất động sản tốt, có kết quả kinh doanh hàng năm khá ổn định như Vinaconex 1, Vinaconex 2, Vinaconex 7, Vinaconex 9, CTCP Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc 2, Vimeco, Vinaconex 25, CTCP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Vinaconex… Bên cạnh đó, Tổng công ty này có 6 đơn vị liên kết; 3 đơn vị liên doanh gồm Vinaconex - Taisei, Vinaconex - Sanwa và liên doanh Bắc An Khánh (chủ đầu tư Khu đô thị mới Splendora).
Nhìn vào kế hoạch năm 2016 của các đơn vị mà Vinaconex có vốn góp, chỉ có Vinaconex Đà Nẵng đặt kế hoạch lỗ 986 triệu đồng, Vinaconex 11 lỗ 4,5 tỷ đồng. Trong khi năm 2015, có 4 đơn vị thua lỗ gồm Vinexconex 11 (lỗ 1,3 tỷ đồng); Vinaconex Sài Gòn (lỗ 8,1 tỷ đồng); Vinaconex – Vinaconsult (lỗ 3,9 tỷ đồng); Xi măng Cẩm Phả (lỗ 23 tỷ đồng).
Khối liên doanh năm 2015 đã lỗ 439 tỷ đồng khiến Vinaconex phải trích lập dự phòng rất lớn. Trong đó, Vinaconex - Taisei lỗ 109 tỷ đồng; liên doanh Bắc An Khánh lỗ 340 tỷ đồng. Năm 2016, chỉ có liên doanh Bắc An Khánh đặt kế hoạch lỗ 83,5 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ Vinaconex năm 2016 dự kiến đạt 320 tỷ đồng; khối Công ty có vốn góp chi phối và công ty liên kết dự kiến đạt 588 tỷ đồng. Trong đó, có những đơn vị dự kiến đạt mức khá cao, đơn cử Nước sạch Vinaconex đặt kế hoạch 159 tỷ đồng; Nước sạch Viwaco đặt kế hoạch 60 tỷ đồng;…
Như vậy, có thể thấy quy mô của bản thân Công ty mẹ Vinaconex và các đơn vị thuộc sở hữu của Tổng công ty là rất lớn, đa phần hoạt động kinh doanh có lãi. Cần lưu ý là, những đơn vị hoạt động thua lỗ chưa chắc đã là hàng khó bán trên thị trường. Đơn cử, Vinaconex 5 trong năm 2015 lỗ 49 tỷ đồng, song Vinaconex vẫn thoái được toàn bộ vốn vào quý IV/2015. Hay trước đó, năm 2013, Vinaconex Xuân Mai đang trong tình trạng lỗ lũy kế, nhưng ngay năm đầu tiên vào tay chủ mới đã có lãi trở lại và tình hình kinh doanh phát triển theo xu hướng tích cực hơn hẳn.
Thâu tóm thành công Vinaconex, nhà đầu tư mới sẽ trở thành chủ đầu tư các dự án do Công ty mẹ đang làm chủ đầu tư, như Dự án cải tạo khu chung cư cũ 97-99 Láng Hạ, Dự án hạ tầng Khu công nghệ cao 2 Hòa Lạc, Dự án chung cư 2B Vinata Towers, Dự án cải tạo chung cư cũ 93 Láng Hạ,… Chưa kể dự án của các đơn vị thành viên như Dự án chung cư CT4; Dự án nước Sông Đà giai đoạn 2; Dự án 136 Hồ Tùng Mậu; Dự án Kim Văn Kim Lũ (VC2), Dự án chung cư 536A Minh Khai…
Ngoài ra, còn các dự án tạo nguồn vô cùng tiềm năng như Dự án khu nhà ở thu nhập thấp 18,5 héc ta Bắc An Khánh, Dự án cải tạo khu chung cư cũ Thượng Đình và Thanh Xuân Bắc; Dự án tòa nhà văn phòng D9 giai đoạn 2 (VC1), Thủy điện Xuân Minh…
Với tiềm năng và vị thế như trên, nếu SCIC tổ chức đấu giá công khai toàn bộ lô cổ phiếu VCG, rất có thể kỷ lục Khách sạn Kim Liên của năm 2015 sẽ nhanh chóng bị phá vỡ và cái tên Vinaconex sẽ trở thành cuộc đua mới của các đại gia.