Tài sản giảm
Theo thông tin của Báo Đầu tư, vào cuối tuần trước, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã chính thức trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phê duyệt giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ tại thời điểm ngày 31/12/2016 để cổ phần hóa là 16.741,4 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn tại doanh nghiệp là 10.144,38 tỷ đồng.
Hai điểm nhấn trong kết quả định giá được thực hiện bởi liên danh Công ty TNHH Kiểm toán và thẩm định giá Việt Nam - Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATC là việc giá trị lợi thế kinh doanh của Vinalines được chốt ở mức 407 tỷ đồng và phần lớn tài sản được xác định lại đều giảm so với số liệu sổ sách kế toán.
. |
Cụ thể, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi xác định lại giảm 929,9 tỷ đồng, tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng giảm 923,1 tỷ đồng. Tài sản mà Vinalines kiến nghị Bộ GTVT không tính vào giá trị doanh nghiệp là 1.237,7 tỷ đồng, trong đó công nợ không có khả năng thu hồi là 727,1 tỷ đồng. Với việc trình được Bộ GTVT giá trị doanh nghiệp vào đầu tháng 7, tiến độ cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines đang đang đi nhanh hơn so với kế hoạch được chính ông lớn ngành vận tải biển đề ra.
Trước đó, trong đề xuất lộ trình cổ phần hóa Công ty mẹ được Hội đồng Quản trị Vinalines trình Bộ GTVT vào đầu tháng 2/2017, hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp sẽ được Vinalines trình lên bộ chủ quản vào ngày 21/7/2017, để có thể nhận được quyết định phê duyệt sau đó một tháng.
Đây là mốc thời gian rất quan trọng, bởi theo quy định, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty mẹ Vinalines sẽ phải diễn ra trong vòng 18 tháng, kể từ khi giá trị doanh nghiệp được công bố, với thời gian dự kiến là ngày 29/12/2017. Cần phải nói thêm rằng, đây đã là lần thứ hai, Vinalines tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp Công ty mẹ phục vụ cho cổ phần hóa.
Vào tháng 12/2014, Bộ trưởng Bộ GTVT, khi đó là ông Đinh La Thăng, đã ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines tại thời điểm ngày 31/12/2013 với giá trị thực tế là 21.287,2 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 8.963 tỷ đồng. Hiện chưa rõ lý do tại sao có sự giảm sút về giá trị doanh nghiệp giữa hai lần đánh giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đề xuất mới liên quan đến định giá của Vinalines được cho là sát với thực tế hoạt động kinh doanh của Hãng.
Tìm đối tác ngoại
Trong khi chờ Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt giá trị doanh nghiệp, Vinalines cũng đã khởi động việc tìm kiếm đối tác chiến lược tiềm năng.
Vào cuối tháng 4/2017, Vinalines đã tổ chức đợt roadshow đầu tiên giới thiệu về định hướng phát triển của Tổng công ty tới các doanh nghiệp tại Singapore nhằm tìm kiếm hợp tác đầu tư trong bối cảnh chuẩn bị IPO.
Thông tin đến các doanh nghiệp, đại diện của Vinalines cho biết, Vinalines đang trong quá trình triển khai công tác cổ phần hóa. Dự kiến tháng 12/2017, sẽ IPO với mức vốn điều lệ lên tới 550 triệu USD. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Vinalines, các nhà đầu tư chiến lược có cơ hội nắm giữ tới 17,25% vốn điều lệ và tỷ lệ bán ra ngoài là 17,25%. Vinalines nhận thấy, các doanh nghiệp Singapore là đối tác tiềm năng, có nhiều doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực cảng biển, dịch vụ hàng hải. Định hướng mang tính chiến lược tổng thể của Vinalines là phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển, đội tàu biển và cơ sở hạ tầng logistics, nhằm tạo chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói để nâng cao lợi thế cạnh tranh.
“Nhà đầu tư chiến lược, ngoài cơ hội tham gia mua cổ phần khi Vinalines thực hiện cổ phần hóa, sẽ đồng thời chính là chủ đầu tư của các dự án trọng điểm về cảng biển mà Vinalines sẽ triển khai trong giai đoạn 2017 - 2020”, lãnh đạo Vinalines khẳng định.
Được biết, chính hoạt động kinh doanh khởi sắc của khối cảng biển và dịch vụ đã gánh đỡ các khoản thua lỗ của mảng vận tải biển, giúp ông lớn Vinalines cân bằng thu, chi. Bên cạnh đó, các cảng biển với giá trị tiềm năng, sẽ làm tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư khi cổ phần hóa Công ty mẹ.
So với thời điểm năm 2014, kết quả kinh doanh của toàn Tổng công ty, cũng như Công ty mẹ, hiện tốt hơn rất nhiều với việc liên tục làm ăn có lãi trong 2 năm tài chính gần nhất. Năm 2015, đánh dấu bước khởi sắc khi Vinalines có lãi 66 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ lãi 329 tỷ đồng, chính thức thoát cảnh âm vốn chủ sở hữu.
Trong năm 2016, khối cảng biển thuộc hệ thống của Vinalines đã mang lại lợi nhuận trước thuế 923 tỷ đồng, khối dịch vụ lãi 1.140 tỷ đồng (hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ đều có lãi, trừ nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines). Hai khoản lợi nhuận này đã góp phần bù đắp khoản thua lỗ khủng từ khối vận tải biển, giúp Vinalines cán mốc lợi nhuận 205 tỷ đồng.
“Kết quả kinh doanh này sẽ làm gia tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu Vinalines trong con mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết.