Doanh nghiệp
Vinalines rộng cửa thoái vốn tại cảng biển
Anh Minh - 17/12/2014 08:31
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có thêm ít nhất 2.000 tỷ đồng từ việc thoái vốn lớn tại các cảng biển vừa được cổ phần hóa (CPH).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng cho Vinalines giảm tỷ lệ nắm giữ nhiều cảng biển lớn
Vietinbank chuyển khoản nợ 5.000 tỷ đồng của Vinalines thành cổ phần
Lỗ lũy kế của Vinalines vượt 19.000 tỷ đồng

Cho đến thời điểm này có thể khẳng định rằng, Cảng Sài Gòn sẽ là đơn vị thành viên thuộc Vinalines được hưởng lợi từ việc Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh một số nội dung Đề án Tái cơ cấu theo hướng giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại một số cảng biển lớn.

Vinalines có thêm ít nhất 2.000 tỷ đồng từ việc thoái vốn lớn tại các cảng biển vừa được cổ phần hóa

Cụ thể, theo Văn bản số 2342/TTg - ĐMDN gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Thủ tướng cho phép Bộ GTVT được giảm tỷ lệ sở hữu phần vốn nhà nước tại Cảng Sài Gòn (được xếp hạng lớn thứ 25 thế giới vào năm 2013) từ 75% xuống còn 50% - 60%.

Được biết, theo đề xuất của Vinalines, giá trị thực tế của Cảng Sài Gòn được xác định là 3.955,2 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) là 2.162,9 tỷ đồng. Căn cứ Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ, cảng Sài Gòn được lựa chọn tối đa 3 nhà đầu tư làm nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa.

Trước đó, theo báo cáo của Vinalines, nguồn thu từ IPO tại các công ty thành viên của Vinalines diễn ra trong 3 quý đầu năm 2014 đã không được như kỳ vọng, khi cả 4 cảng lớn là Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang và Đà Nẵng đều chỉ bán được chưa đầy 5% cổ phần, trong khi mục tiêu thoái vốn cao gấp 5 lần.

Ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới cổ phiếu các cảng biển bị “ế” nặng là do tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của Nhà nước quá cao (75%) khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.

Ngoài cảng Sài Gòn, Vinalines cũng được phép thoái vốn mạnh hơn tại một số DN thành viên, trong đó chủ yếu thuộc về khối khai thác cảng. Đối với Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) là DN mà Vinalines góp 56,58% vốn, Tổng công ty cũng được thoái vốn toàn bộ phần vốn góp với tổng giá trị lên tới 206 tỷ đồng.

Ngoài các cảng biển nói trên, Vinalines cũng đã lên kế hoạch thoái vốn một phần hoặc toàn bộ tại 23 công ty con và 22 công ty liên kết trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2015. “Tổng công ty dự kiến thu về thêm hơn 2.000 tỷ đồng phục để vụ cơ cấu tài chính, đồng thời nâng cao hiệu quả quản trị tại các cảng này”, ông Sơn cho biết.

Ông Sơn cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư muốn mua cổ phần tại 5 cảng biển lớn mà Vinalines đang chào bán. “Hiện có những nhà đầu tư đăng ký mua tới 90% cổ phần Cảng Đà Nẵng, 100% cổ phần Cảng Quảng Ninh, 49% cổ phần Cảng Hải Phòng”, ông Sơn tiết lộ.

Nổi bật trong số này là việc CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) đề xuất mua 19,68% cổ phần hiện do Nhà nước nắm giữ tại CTCP Cảng Hải Phòng. Hay trước đó, cộng đồng DN Bắc Âu cũng bày tỏ sự quan tâm đến hoạt động vận tải biển và các dự án đầu tư cảng tại Việt Nam.

Ông Sigmund Stromme, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam (NorCham) đã đề nghị: “Để thúc đẩy hơn nữa đầu tư trong lĩnh vực quan trọng này, chính sách nên được nới lỏng để cho phép ít nhất 70% hoặc 100% cổ phần nước ngoài trong vận tải biển và các dự án đầu tư cảng”. Theo ông Sigmund Stromme, hiện ở Việt Nam, chủ yếu vẫn là các công ty vận tải nước ngoài sử dụng các cảng biển. Chính họ có thể tham gia đầu tư nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển hoạt động của các cảng biển.

Vinalines ‘thua lấm lưng’ nhà thầu ngoại

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) gần như chỉ mong nhà thầu ngoại nới tay chút nào hay chút đó, sau khi đã “thua lấm lưng” trong vụ kiện đòi bồi thường hơn 65,2 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác