Thông tin doanh nghiệp
Vinamilk: Thận trọng với mục tiêu tăng doanh thu 7%/năm
X.H - 23/03/2022 09:56
Vinamilk dự kiến tăng trưởng doanh thu năm 2022 trên 5%, cao hơn so với mức tăng 2,2% của năm 2021 dù đang phải đối mặt nhiều khó khăn.

Theo báo cáo thường niên năm 2021 vừa được công bố, Vinamilk dự kiến tăng trưởng doanh thu năm 2022 trên 5%, cao hơn so với mức tăng 2,2% của năm 2021, đáng kể đến là việc sức mua của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng lớn do tình hình lạm phát liên quan đến các cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và năng lượng toàn cầu. Sau năm nay, doanh thu của Vinamilk được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng lên mức 7,7%/năm và đạt quy mô doanh thu 86.200 tỷ đồng vào năm 2026.

Áp lực chi phí nguyên liệu khiến biên lợi nhuận sụt giảm

Năm 2021 có thể xem là năm kinh doanh nhiều khó khăn với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là tại thị trường nội địa trong những giai đoạn giãn cách xã hội, trong khi biên lợi nhuận chịu sức ép thu hẹp do tác động tăng cao của giá nguyên liệu đầu vào.

Hệ thống Cửa hàng giấc mơ sữa Việt của Vinamilk đã cán mốc 600 cửa hàng trong năm 2021

Có thể thấy, mặc dù ngành dịch vụ và tiêu dùng phải đóng cửa do đại dịch nhưng Vinamilk đã nỗ lực để duy trì tăng trưởng doanh thu. Với mức tăng 2,2% so với năm 2020, tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 đã đạt 61.012 tỷ đồng, lần đầu vượt mốc 60.000 tỷ đồng nhưng mới tương đương 98% kế hoạch đề ra… Nhưng có một điểm sáng là doanh thu hợp nhất quý IV/2021 đã tăng trưởng xấp xỉ 10%, là mức tăng trưởng theo quý nhanh nhất trong gần 5 năm trở lại đây.

Đối với kinh doanh nội địa, kênh hiện đại tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với mức tăng trưởng hai chữ số. Bên cạnh việc các đối tác phân phối đẩy mạnh mở rộng điểm bán thì chuỗi Giấc Mơ Sữa Việt của Vinamilk đã nâng lên con số gần 600 cửa hàng. Kênh trực tuyến đã ghi nhận doanh thu tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Đối với hệ thống phân phối, việc sở hữu hệ thống trang trại và nhà máy trên cả nước đã cho phép Công ty linh động điều phối kế hoạch sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng toàn quốc ngay cả khi dịch bùng phát mạnh. Trong mảng kinh doanh quốc tế, Vinamilk đã mở rộng xuất khẩu sáng 57 quốc gia và duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Như vậy thị trường nội địa vẫn là chủ đạo vào kết quả kinh doanh của công ty với 84% doanh thu và 83,8% lợi nhuận gộp nhưng tăng trưởng doanh thu năm qua ở mức khá thấp, chỉ 0,7%. Thị trường nước ngoài duy trì được mức tăng trưởng doanh thu cao hơn, với 10,5%...

Trong bối cảnh đó, để cải thiện lợi nhuận Vinamilk đã nỗ lực cắt giảm nhiều loại chi phí, như chi phí khuyến mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng (giảm 539,7 tỷ đồng), chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường (giảm 206,7 tỷ đồng), chi phí phân bổ lợi thế thương mại vào chi phí quản lý (giảm 362,6 tỷ đồng)… giúp Vinamilk ổn định tài chính và duy trì lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 10.632 tỷ đồng, hoàn thành 94,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.

Kỳ vọng phục hồi trong giai đoạn 2022-2026

Dự kiến trong năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 64.070 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.000 tỷ đồng. Xa hơn đến năm 2026, Công ty kỳ vọng đạt quy mô doanh thu 86.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 16.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế trung bình lần lượt là 7,7%/năm và 7,5%/năm trong giai đoạn 2022-2026. Mục tiêu này xây dựng trên kỳ vọng ngành hàng tiêu dùng phục hồi nhanh từ sau năm 2022.

Bước sang năm 2022, bức tranh kinh doanh của Vinamilk vẫn được đánh giá đối mặt nhiều khó khăn. Bao gồm giá các nguyên liệu sản xuất chính như sữa bột, đường… chưa sớm hạ nhiệt, thậm chí có thể tiếp tục gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu nhiều cú sốc thúc đẩy chi phí sản xuất.

Đối với các sản phẩm nhóm ngành sữa truyền thống, mặc dù bức tranh kinh doanh còn nhiều khó khăn thách thức nhưng kết quả kinh doanh của Vinamilk cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm nay dựa trên sự phục hồi của nền kinh tế và thu nhập người tiêu dùng.

Sản xuất thịt bò được xem là mảng tiềm năng nhất để thúc đẩy VNM đạt mục tiêu tăng trưởng trong 5 năm tới

VNDIRECT kỳ vọng giá bột sữa sẽ hạ nhiệt vào năm 2022 nhờ nguồn cung phục hồi và nhu cầu sữa bột từ Trung Quốc giảm dần. Báo cáo dẫn dự báo của Eurostat, theo đó sản lượng sữa được dự báo sẽ phục hồi nhờ vào năng suất sản xuất cao hơn trong năm 2022. Bên cạnh đó, Rabo Research dự báo Trung Quốc sẽ hạ tỷ trọng mua và dự trữ bột sữa nguyên kem (WMP) và bột sữa tách béo (SMP) trong năm 2022. Do Trung Quốc là khách hàng lớn nhất trên các thị trường sữa toàn cầu, điều này sẽ làm hạ nhiệt giá bột sữa toàn cầu vào năm 2022 so với mức đỉnh vào Qúy 2/2021.

Việc mở rộng sang các mảng kinh doanh mới như thịt bò cũng được kỳ vọng có thể giúp cải thiện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vào tháng 11/2021, Vinamilk và Công ty thành viên Vilico đã ký kết thành công biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản và UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc đầu tư, phát triển dự án về bò thịt tại Việt Nam với quy mô hợp tác dự kiến đến 500 triệu USD. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023 và doanh thu từ thịt bò trong năm đầu tiên dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng khi đi vào hoạt động- bộ phận phân tích của VCBS đánh giá.

Cũng vào tháng 11/2021, liên doanh Vibev giữa Vinamilk và Kido đã cho ra mắt sản phẩm đầu tiên “Oh Fresh” bao gồm sữa đậu xanh tươi và sữa bắp tươi. Sản phẩm được bán tại mạng lưới phân phối của Vinamil và Kido. Điều này cho thấy những nỗ lực của công ty trong việc đa dạng hóa dòng sản phẩm và tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới.

Vào đầu tháng 4/2022, Vinamilk sẽ công bố tài liệu đại hội cổ đông trên website công ty trong đó có kế hoạch kinh doanh chính thức trình đại hội phê duyệt. Dự kiến đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 26/4/2022 theo hình thức trực tuyến.
Tin liên quan
Tin khác