Không khó để nhận ra sức hấp dẫn của thị trường sữa đậu nành đối với doanh nghiệp sản xuất đồ uống nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng ấn tượng của doanh nghiệp sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thị trường hiện nay là VinaSoy.
| ||
Nhà máy VinaSoy sử dụng công nghệ và thiết bị hiện đại |
Trong 10 năm trở lại đây, sản lượng tiêu thụ của VinaSoy tăng trưởng bình quân hơn 40%/năm.
Nếu như năm 2005, sản lượng của VinaSoy chỉ khiêm tốn ở mức gần 6 triệu lít/năm, thì trong 8 năm qua, sản lượng tiêu thụ đã tăng tới 20 lần, đạt 124,5 triệu lít vào năm 2012.
Năm ngoái, doanh thu của VinaSoy lên tới 1.900 tỷ đồng và năm nay, Công ty dự kiến đạt doanh thu 2.440 tỷ đồng.
Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Compass, Việt Nam đứng thứ 8 trong tổng số 17 thị trường tiêu thụ sữa đậu nành lớn nhất thế giới, với mức tiêu thụ bình quân khoảng 7 lít sữa đậu nành/người trong năm 2012.
Không chỉ ở Việt Nam, sữa đậu nành cũng tiếp tục là sản phẩm tiêu thụ thường xuyên nhất thế giới, trong đó, Nam và Đông Nam Á tiêu thụ tới hơn 1,8 tỷ lít mỗi năm, Bắc Á và châu Đại Dương tiêu thụ 654 triệu lít/năm.
Không chỉ có VinaSoy, mà một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống như Vinamilk, Tân Hiệp Phát, Tribeco, đã nhận thấy tiềm năng to lớn và nhảy vào thị trường sữa đậu nành.
Mặc dù có thêm đối thủ cạnh tranh, nhưng VinaSoy vẫn khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường. Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Nielsen công bố vào tháng 6/2013, với hai thương hiệu là Fami và VinaSoy phục vụ hai phân khúc khách hàng khác nhau, VinaSoy đang là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong nước, với hơn 78% thị phần sữa đậu nành đóng bao bì giấy và dẫn đầu ở tất cả các khu vực thị trường.
Bằng kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất cùng với chiến lược tiếp thị, phân phối phủ khắp cả nước, vị thế của VinaSoy sẽ được củng cố vững chắc trước các đối thủ trên thị trường đồ uống. Bên cạnh nhà máy sữa đậu nành có công suất 60 triệu lít/năm tại Quảng Ngãi, VinaSoy đã đưa ra quyết định đột phá khi đầu tư 650 tỷ đồng để xây dựng cụm nhà máy tại Bắc Ninh, với công suất 180 triệu lít/năm. Giai đoạn I của nhà máy đã đi vào hoạt động từ tháng 5/2013, kịp thời cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng miền Bắc.
Việc đưa vào hoạt động nhà máy sữa đậu nành tại Bắc Ninh khẳng định sự bứt phá mạnh mẽ của VinaSoy. Miền Bắc là khu vực đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của VinaSoy, chiếm tới 47% thị phần cả nước. Với nhà máy đi vào hoạt động tại Bắc Ninh, Vinasoy đã đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu ngày một tăng cao của người tiêu dùng miền Bắc, tiết kiệm chi phí vận chuyển và hạn chế sản phẩm hư hỏng khi vận chuyển đường dài. Đây cũng là lợi thế của VinaSoy so với các doanh nghiệp khác trên thị trường vì chưa có doanh nghiệp nào xây dựng được nhà máy sữa đậu nành tại miền Bắc.
VinaSoy còn có lợi thế nhờ đầu tư công nghệ hiện đại, tối ưu hóa dinh dưỡng cho sữa đậu nành bao bì giấy. Nhà máy VinaSoy sử dụng công nghệ Tetra Alwin Soy - công nghệ trích ly hiện đại nhất đang được các nhà sản xuất đậu nành hàng đầu thế giới ứng dụng hiện nay, giúp tách chiết liên tục dịch cốt từ đậu nành. Với công nghệ này, đậu nành hạt được đưa vào dây chuyền sản xuất từ việc nghiền, khử hoạt tính enzyme giúp triệt tiêu các enzyme gây khó tiêu, chướng bụng và chiết xuất tối ưu lượng dinh dưỡng có trong đậu nành.
Một điểm ưu việt khác về công nghệ của nhà máy VinaSoy là công nghệ xử lý tiệt trùng UHT và đóng gói vô trùng trong bao bì giấy, đảm bảo không có vi khuẩn xâm nhập, chống ôxy hóa trong quá trình lưu trữ sản phẩm, giúp giữ trọn vẹn hương vị và dinh dưỡng của sản phẩm đến 6 tháng, hoàn toàn không cần dùng chất bảo quản.
Nhờ công nghệ sản xuất hiện đại, hạt đậu nành nguyên liệu tươi và chất lượng, quy trình sản xuất khép kín bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ lâu các sản phẩm của VinaSoy đã được người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng.
Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành VinaSoy, cho biết, trong tương lai, bên cạnh sữa đậu nành là sản phẩm chủ lực, Nhà máy sữa đậu nành VinaSoy tại Bắc Ninh dự kiến sẽ mở rộng sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác làm từ đậu nành. Bằng sự tập trung chuyên biệt vào hạt đậu nành, ngôi vương của VinaSoy dường như khó có thể bị lung lay dù thị trường sữa đậu nành có thêm nhiều đối thủ.
Thiên Long