Biên bản thỏa thuận khung được ký ngay sau thời điểm Itochu quyết định rót hơn 9 triệu USD, mua 3% cổ phần của Vinatex trong đợt IPO hồi tháng 10/2014.
Itochu có thể hỗ trợ nhiều cho Vinatex khi hai bên cùng bắt tay thực hiện các dự án đầu tư dài hơi |
Chuỗi các dự án nguyên phụ liệu này được đầu tư nhằm gia tăng chủ động nguyên phụ liệu của Vinatex, đồng thời mở rộng các dự án kinh doanh về dệt nhuộm hoàn tất và nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Sản phẩm của dự án, trước mắt sẽ phục vụ các doanh nghiệp trong Tập đoàn.
Ông Shimizou Motonari, Tổng giám đốc Itochu Prominent châu Á cho rằng, Việt Nam là khu vực quan trọng ở châu Á để đầu tư về dệt may, đặc biệt là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp kết thúc đàm phán và đi đến ký kết.
Itochu với vai trò vừa là cổ đông, vừa là đối tác kinh doanh lâu năm của Vinatex, thời gian tới sẽ triển khai các dự án hợp tác giữa các đơn vị thành viên của hai bên.
Các dự án này kỳ vọng sẽ mang lại tổng doanh thu 60 triệu USD trong 5 năm tới, tạo thêm hàng ngàn việc làm mới tại các nơi đặt dự án như Nghệ An, Quảng Bình…
Mặc dù tổng vốn đầu tư cho loạt dự án này chưa được hai bên tiết lộ, nhưng chắc chắn, vốn đầu tư sẽ lên tới vài trăm triệu USD, đo đặc thù đầu tư dệt, nhuộm hoàn tất vải có suất đầu tư lớn.
Cần phải nói thêm, thời điểm Itochu quyết định bỏ vốn mua cổ phần của Vinatex, được kỳ vọng là đòn bẩy để Vinatex có thêm động lực đầu tư chuyên sâu, đúng ngành nghề, lĩnh vực chủ chốt mà doanh nghiệp này đang theo đuổi là sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng dệt may…
Điều này cũng được ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex thừa nhận, phía Vinatex cũng kỳ vọng từ sự hợp tác chặt chẽ với đối tác và cổ đông Itochu, Tập đoàn sẽ mở rộng thị trường, đầu tư công nghệ tiên tiến và đặc biệt là mở nút thắt để đầu tư chuỗi dự án dệt nhuộm hoàn tất, xây dựng thành công chuỗi cung ứng toàn diện về dệt may cho Vinatex và ngành dệt may Việt Nam..
Với vai trò là tập đoàn thương mại đa ngành lớn thứ ba của Nhật Bản, chỉ sau Mitsubishi Corporation và Mitsui & Co, cùng các mảng hoạt động chính chuyên về dệt may, kim loại/khoáng sản, thực phẩm, máy móc, thiết bị, năng lượng và công nghệ thông tin, Itochu có nhiều lợi thế về vốn, kinh nghiệm, thị trường, đối tác… có thể hỗ trợ nhiều cho Vinatex khi hai bên cùng bắt tay thực hiện các dự án đầu tư dài hơi.
Tính đến thời điểm này, Itochu là công ty đầu tiên không thuộc định chế tài chính của Nhật Bản rót vốn vào một doanh nghiệp nhà nước Việt Nam là Vinatex. Itochu hiện làm ăn với 100 hãng dệt may Việt Nam. Hãng kinh doanh khá nhiều mặt hàng, từ nguyên liệu thô đến hàng thời trang tại Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Tất nhiên, việc đổ vốn của Itochu vào Vinatex chỉ nhằm tối đa hóa cơ hội đầu tư, gia tăng lợi nhuận trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực cùng các đối tác kết thúc đàm phán một loạt FTA, trong đó, quan trọng nhất là FTA Việt Nam - EU và TPP.
Theo ông Shimizou Motonari, Việt Nam có thế mạnh là một trong những nước tham gia đàm phán TPP cùng với Nhật Bản. Việc các nhà đầu tư Nhật tăng đầu tư vào vùng sản xuất nguyên phụ liệu trong ngành dệt may tại Việt Nam đã tạo cho ngành dệt may Việt Nam cơ hội tận dụng lợi thế về quy tắc xuất xứ và từng bước đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường khi xuất khẩu sang Nhật Bản.
Năm 2015, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Nhật Bản tiếp tục khả quan, có thể đạt 2,9 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2014.
Thế Hải