Lãnh đạo Tập đoàn Walmart trong buổi làm việc với Tập đoàn Dệt May Việt Nam. |
Đoàn lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Walmart, nhà bán lẻ hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ do ông Avaneesh Gupta, Phó chủ tịch Cấp cao đã đến thăm, làm việc tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex).
Chuyến đi của lãnh đạo Tập đoàn Walmart tới Việt Nam trong khuôn khổ dự sự kiện Kết nối Chuỗi cung ứng quốc tế năm 2023 - Viet Nam International Sourcing 2023 do Bộ Công thương tổ chức từ 13-15/9 tại TP.HCM. Lãnh đạo Tập đoàn đã diện kiến lãnh đạo Chính phủ và nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất lớn của Việt Nam.
Vinatex có dây chuyển sản xuất theo chiều dọc giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu kéo sợi, đồng thời cho phép truy xuất nguồn gốc rõ ràng trong sản phẩm vải và may mặc của Vinatex.
Mới đây, Vinatex đã thử nghiệm và đưa ra thị trường loại vải đặc biệt mới có khả năng chống cháy, chống đâm đạt tiêu chuẩn và một số thử nghiệm tại Mỹ với công suất 2 triệu mét/năm.
Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, mục tiêu của Vinatex là đầu tư trở thành một điểm đến cung cấp giải pháp trọn gói về dệt may thời trang xanh cho khách hàng doanh nghiệp, từng bước vươn lên thang bậc cao hơn của chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu.
Đến năm 2025, Vinatex dự kiến sản xuất khoảng 35.000 tấn vải dệt kim trong đó 50% sử dụng để làm hàng FOB và 50% xuất khẩu vào chuỗi cung ứng.
Từ năm 2015 đến nay, Vinantex đã tập trung vào việc đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất và năng suất lao động, từ đó thu nhập của người lao động được cải thiện qua các năm trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.
Trong ngành sợi, nhiều doanh nghiệp của Vinatex đang áp dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Đối với ngành may, Tập đoàn ưu tiên các công nghệ tự động hóa với dây chuyền sản xuất chuyên biệt. Hoạt động đầu tư được thực hiện theo hướng tự động hóa, sản xuất xanh, giảm tiêu thụ năng lượng và giảm thiểu chất thải, tối ưu hóa quy trình tái chế.
“Vinatex đang tập trung cho phát triển bền vững, sản xuất xanh để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với mục tiêu trung hòa phát thải các bon vào năm 2050, và hoàn toàn có thể cung cấp cho các nhà mua hàng như Walmart nhiều sản phẩm xanh, bền vững”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Ông Avaneesh Gupta, Phó chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Walmart cho biết: " Với hệ thống hơn 10.500 cửa hàng tại 19 quốc gia, để tiếp tục tham gia sâu vào chuỗi cung ứng minh bạch toàn cầu nói chung cũng như Walmart nói riêng, doanh nghiệp thuộc Vinatex cần quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của bông để làm sợi.
Lãnh đạo Walmart cũng lưu ý Vinatex cải tiến công nghệ để có năng suất, chất lượng cạnh tranh nhất trên thị trường, đáp ứng yêu cầu của Walmart về tính minh bạch của chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo cho tương lai phát triển bền vững.
Trước băn khoăn của lãnh đạo Tập đoàn Walmart về những thuận lợi và thách thức đối với Vinatex trong 3-5 năm tới, ông Lê Tiến Trường cho biết: “Trong vòng 3 năm tới, ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do tổng cầu dệt may thế giới suy giảm.
Bên cạnh đó, những khó khăn về tỷ giá hối đoái khi VND tương đối ổn định so với USD trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh đều mất giá từ 10%-20% so với USD sẽ ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng.
"Điểm yếu lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam đó là khả năng cạnh tranh về giá sản phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong Tập đoàn được đối tác đánh giá cao ở chất lượng và độ hoàn thiện của sản phẩm, tính linh hoạt trong đáp ứng yêu cầu đơn hàng cả về mặt chất lượng, chủng loại, mẫu mã lẫn số lượng", ông Trường cho biết thêm.
Tập đoàn Walmart và Vinatex thống nhất sẽ tiếp tục duy trì liên lạc và tạo điều kiện thuận lợi để các cấp kỹ thuật, mua hàng có thể cùng nhau trao đổi, tìm kiếm hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Năm ngoái, ngành dệt may xuất khẩu hơn 43 tỷ USD, trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều hàng dệt may Việt Nam nhất , với hơn 18 tỷ USD, kế đến là Hàn Quốc 4,2 tỷ USD, Nhật Bản và Trung Quốc gần 4 tỷ USD...
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart với các sản phẩm chủ lực gồm các mặt hàng dệt may, đồ gia dụng, điện tử và thực phẩm chế biến sẵn.