Doanh nghiệp
Vinatex: cổ phần hoá tạo động lực đầu tư
Hải Yến - 15/07/2013 06:04
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khẳng định, cổ phần hóa (CPH) sẽ giúp Tập đoàn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải thiện nhanh và vững chắc hiệu quả hoạt động.

Thưa ông, Vinatex sẽ CPH dứt điểm trong năm 2013, tiến tới những mục tiêu cao hơn về hiệu quả hoạt động. Để đạt được mục tiêu đó, áp lực điều hành sau CPH là không nhỏ?

Theo tôi, CPH thành công là phải đạt được các mục tiêu: cải thiện nhanh và vững chắc kết quả kinh doanh của Tập đoàn, giữ vững và phát huy được vai trò chủ đạo trong phát triển ngành…

Để đạt được những mục tiêu này, Ban lãnh đạo Tập đoàn cảm nhận rõ áp lực mới cho chuẩn bị CPH và điều hành sau CPH, đó là cả một khối lượng công việc nặng nề.

Ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Việc thoái vốn ngoài ngành đã được Tập đoàn thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?

Tập đoàn đã thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành tại các ngân hàng thương mại, gồm ACB, Eximbank và hiện chỉ còn ở các công ty tài chính, dự kiến sẽ hoàn thành thoái vốn vào năm 2015.

Theo kế hoạch, thì IPO sẽ diễn ra trong quý IV năm nay và chúng tôi đang đàm phán với đối tác nước ngoài muốn mua lại cổ phần của Tập đoàn.

Áp lực để cán đích các mục tiêu đề ra càng trở nên nặng nề hơn nữa, khi câu chuyện nội địa hóa của Tập đoàn nói riêng và ngành dệt may nói chung vẫn đang là một điểm yếu lớn?

Đúng vậy. Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực, đem lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, song tỷ lệ nội địa hóa ở Tập đoàn chỉ mới đạt 50-52%, tùy từng khu vực.

Nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng đầu tư nguyên liệu thay thế nhập khẩu, Vinatex đang triển khai nhiều dự án mà khu vực doanh nghiệp FDI và tư nhân không làm được, hoặc không muốn làm, vì nhu cầu vốn lớn và rủi ro cao.

Vậy Tập đoàn đã có kế hoạch thực hiện các dự án nguyên phụ liệu từ các nguồn vốn huy động được từ CPH chưa?

Khi thực hiện xã hội hóa nguồn vốn để phát triển, chúng tôi sẽ chủ động phát triển thị trường, làm chủ công nghệ, tính toán bước đi phù hợp cho phát triển từng lĩnh vực may, dệt, sợi, phụ liệu…, xây dựng chuỗi sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm, tăng doanh thu nội địa, lợi nhuận và kim ngạch xuất khẩu.

Một yếu tố quan trọng nữa là, sau khi CPH, Tập đoàn còn có thêm động lực để đẩy mạnh đầu tư. Với vị trí là hạt nhân phát triển của ngành, Tập đoàn vẫn đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, hình thành chuỗi cung ứng từ sợi, dệt, nhuộm, may; không ngừng nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm và hiệu quả sản xuất.

Năm 2013, do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, nên nhập khẩu hàng dệt may của nhiều thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản… đều khá thấp. Liệu điều này có ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu của Vinatex và ngành dệt may?

Dù cho năm 2013 còn tiềm ẩn nhiều khó khăn và thách thức lớn, nhưng ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục đạt những kết quả tốt về xuất khẩu. 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ vẫn đạt 4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 44,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Riêng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm của Tập đoàn tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, có cơ sở để tin rằng, Tập đoàn sẽ về đích đúng hẹn (đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm là 2,8 tỷ USD).

Tin liên quan
Tin khác