Để thực hiện mục tiêu trên, riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Vinatex đã chi gần 6.150 tỷ đồng để đầu tư 18 dự án sợi, dệt nhuộm, cùng hơn 20 dự án phụ trợ khác.
| ||
18 dự án sợi, nhuộm đang được Vinatex gấp rút đầu tư |
Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 3 dự án sản xuất sợi của Vinatex đi vào hoạt động. Đó là Nhà máy Sợi Phú Bài 2 (đi vào hoạt động trong tháng 3/2013); Nhà máy Sợi Vinatex - Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) và Nhà máy Sợi Đồng Văn cùng đi vào hoạt động trong tháng 4/2013. Ba nhà máy này đã góp phần tăng thêm 1.270 tấn sợi Ne30 cho ngành dệt may.
Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex cho biết, các dự án trên đều được triển khai bởi các DN có tiềm năng về vốn và kinh nghiệm, là CTCP Sợi Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (Hanosimex)…
Cùng với sự chủ động về nguyên liệu đầu vào khi đi vào hoạt động, với thời gian đầu tư chỉ từ 16 đến 18 tháng (so với mức ngoài 20 tháng trước đây), các dự án mới đã tạo điều kiện giúp DN tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư.
Chẳng hạn, nhờ thực hiện các giải pháp chặt chẽ ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, rút ngắn tiến độ hơn 5 tháng, nên Nhà máy Sợi Phú Bài 2 (quy mô 15.000 cọc sợi) chỉ bị lỗ đúng 1 tháng, trong khi đối với các nhà máy sợi trước đây, thời gian chịu lỗ thường kéo dài tới 5 tháng.
Ngoài những dự án kể trên, 4 dự án nguyên phụ liệu lớn cũng đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Đó là các dự án Nhà máy Sợi Pvtex Nam Định (quy mô 60.000 cọc sợi), Nhà máy sợi Pvtex Phú Bài 3 (10.000 cọc sợi) và Nhà máy Sợi Đông Phú (15.000 cọc sợi), Nhà máy Sợi Phú Hưng tại Thừa Thiên Huế (21.600 cọc sợi).
Dự kiến, giai đoạn I của Dự án Nhà máy Sợi Pvtex Nam Định do CTCP Sợi Pvtex Nam Định làm chủ đầu tư tại Khu công nghiệp Hòa Xá, Nam Định, với quy mô 30.000 cọc sợi PE 100%, sản lượng 4.733 tấn/năm sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Dự án Nhà máy Sợi Phú Hưng tại Khu công nghiệp Phú Bài (Thừa Thiên Huế) có tổng mức đầu tư xấp xỉ 260 tỷ đồng cũng chuẩn bị khởi công vào cuối tháng 7 này, với thời gian xây dựng nhà máy chỉ gói gọn trong vòng 12 tháng. Vì vậy, đây được xem là dự án mẫu về ngành sợi của Vinatex, đạt các mục tiêu về thiết kế, tiến độ, hình thức, chất lượng sản phẩm, hiệu quả vận hành nhà máy.
Mục tiêu cuối cùng là, hình thành và nâng cao chuỗi liên kết nội tại giữa các DNp trong Tập đoàn, khép kín quy trình sản xuất từ sợi - dệt - nhuộm hoàn tất- may, chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm).
Hải Yến