Năm 2017, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu 1.791 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 345,9 tỷ đồng. |
Theo tài liệu ĐHCĐ 2017, VGT đặt ra nhiều tham vọng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm, bất chấp thị trường xuất khẩu dệt may gặp không ít khó khăn do cầu giảm và khó khăn trong cạnh tranh của dệt may Việt Nam khi phải cạnh tranh đơn hàng với các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn.
Cụ thể, năm 2017, Công ty mẹ Vinatex đặt mục tiêu doanh thu tăng 37,9%, ở mức 1.791 tỷ đồng, trong khi năm 2016 chỉ đạt gần 1.300 tỷ đồng.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 345,9 tỷ đồng, tăng 22,6% của mức 283,4 tỷ đồng của năm 2016, chia cổ tức 6%, so với mức 5% của năm 2016.
VGT cũng đặt kế hoạch kinh doanh hợp nhất 2017, với mục tiêu doanh thu gần 16.000 tỷ đồng, chỉ bằng 96,9% so với thực hiện năm 2016 là 16.511 tỷ đồng, tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận trước thuế lại tăng gần 10% so với năm trước, ở mức 749 tỷ đồng, trong khi 2016 là 683,5 tỷ đồng.
Năm 2016 là năm khó nhất của ngành dệt may xuất khẩu trong vòng 10 năm trở lại đây, khi mục tiêu xuất khẩu đã không cán đích mục tiêu đề ra là 30 tỷ USD. Xuất khẩu cả năm 2016 chỉ đạt 28,3 tỷ USD.
Dẫu vậy, theo nhận định của Vinatex, với hiện trạng ngành và tình hình thị trường, khó khăn còn bủa vây ngành nhiều hơn, cụ thể là cạnh tranh đơn hàng khốc liệt hơn do DN Việt Nam chưa có khả năng cung cấp các giải pháp trọn gói và gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện giao hàng của nhà nhập khẩu.
Các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia…tiếp tục thu hút đơn hàng nhờ chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá… trong khi các trợ lực được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu như EVFTA chưa có hiệu lực, TPP thì tạm dừng lại khi Mỹ tuyên bố rút lui.
Các doanh nghiệp trong nước cũng đang đau đầu với gia tăng chi phí đầu vào, điển hình là chi phí tiền lương, bảo hiểm, vận chuyển, chi phí điện… trong khi giá bán luôn bị khách hàng yêu cầu giảm giá.
Những giải pháp được VGT đưa ra để hoàn thành các kế hoạch trong năm 2017 là đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới như các nước khối Đông Âu, tận dụng lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu...; Đầu tư hiệu quả, tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao năng lực hiện có chuỗi cung ứng hoàn tất Sợi-Dệt-Nhuộm-May...