Doanh nghiệp
Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường: Xuất khẩu dệt may quyết rinh về thêm 3 tỷ USD
Thế Hải - 27/04/2017 14:19
Tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn dựa trên năng lực cạnh tranh và nhu cầu của thị trường thế giới, nên việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không làm chùn chân các doanh nghiệp để rinh về thêm 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017.

Đó là khẳng định của ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) trong cuộc trao đổi với Phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn.

Thưa ông, 2016 là năm xuất khẩu dệt may đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có những tín hiệu tốt hơn về thị trường xuất khẩu chưa, thưa ông?

Theo ông Lê Tiến Trường, việc Mỹ rút khỏi TPP không làm chùn chân các doanh nghiệp để rinh về thêm 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017.

2016 là một năm rất khó khăn đối với ngành dệt may, khi tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 5,6% (28,3 tỷ USD).  So với 10 năm gần đây, thì 2016 là năm có mức tăng trưởng thấp nhất, ngoại trừ năm 2008 không có tăng trưởng xuất khẩu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thế giới.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, ngành dệt may đang đón nhận những tín hiệu tốt hơn mặc dù chưa thể nói là bền vững, với 6,75 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2017, tăng trưởng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đặc biệt của quý I/2017 đó là tăng trưởng ở các thị trường truyền thống không cao, thị trường Mỹ và EU chỉ tăng khoảng 6,3% - 6,4%. Nhưng nhiều thị trường mới đã có những tín hiệu tốt, trong đó Liên minh Kinh tế Á - Âu có tốc độ tăng trưởng vào Nga tăng 115%; đối với thị trường AEC đã có tốc độ tăng ở 6 thị trường, cụ thể: Thái Lan 17%, Indonesia 11%, Singapore 38%, Lào 24,5%, Campuchia 36% và Myanma 5%.

Một trong những khách hàng truyền thống từ trước đến nay Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đó là Hàn Quốc với tốc độ tăng 14%. Ngoài ra, có 2 quốc gia là Braxin và Ấn Độ có mức tăng trưởng rất tốt, lên đến 34%.

Từ đó có thể thấy, những nỗ lực của việc chủ động tiếp cận, tận dụng và khai thác những hiệp định thương mại song phương và đa phương mới đã cho kết quả, mà phần lớn thành quả này đến từ Liên minh Kinh tế Á - Âu và cộng đồng kinh tế ASEAN.

Trước lo ngại về việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu dệt may của nước ta trong thời gian tới, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trước hết cần phải nhấn mạnh, khi chưa có TPP, tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn dựa trên năng lực cạnh tranh và nhu cầu của thị trường.

Trước đây khi đưa ra các kịch bản nếu có TPP và EU thì Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn và phải đứng trước thách thức của việc tận dụng một cách tốt nhất các lợi thế có được từ các Hiệp định. Tuy nhiên khi không còn hoặc chưa rõ thời điểm các hiệp định có hiệu lực thì các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh chiến lược dựa trên cơ sở năng lực cạnh tranh thực như những năm trước đây. Chính vì vậy mục tiêu tăng trưởng cho năm 2017 là 8% – 10%, không phải 15 – 17% như kịch bản có TPP.

Với kết quả khả quan như quý I vừa qua, thì ngành dệt may đang phấn đấu trong năm 2017 sẽ tăng trưởng trên 10%, tăng thêm khoảng trên 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Để có thêm được 3 tỷ USD trong bối cảnh cạnh tranh về giá khốc liệt với các quốc gia xuất khẩu như Campuchia, Băngladesh, Myanmar… là không hề dễ dàng, các doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư, cùng những giải pháp về thị trường ra sao, thưa ông?

Để đạt được mục tiêu mang về 3 tỷ USD ngoại tệ từ xuất khẩu, theo tôi, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc khai thác cao nhất hiệu suất của tài sản cố định đã đầu tư, tập trung đầu tư mới để thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh với trình độ công nghệ cao hơn, nhất là trong bối cảnh xuất hiện làn sóng công nghệ lần thứ 4 trong hệ thống dệt may.

Đây cũng là một áp lực mà các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng để trong 10 năm tới, với hệ thống dệt may đang có, đang đầu tư, tiếp tục mở rộng hoặc thay thế sẽ không trở nên lỗi thời mà vẫn duy trì được năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thực tế, 2016, xuất khẩu dệt may đã lỗi hẹn 1,7 tỷ USD so với mục tiêu. Bởi vậy, việc tăng thêm 3 tỷ USD xuất khẩu 2017 có vẻ như vẫn chưa thể nói chắc được?

Hiện tại, quý II/2017 vẫn nằm trong dự báo của ngành với tốc độ tăng trưởng 10% và tôi có thể khẳng định, đã có những tín hiệu rõ ràng là mục tiêu này có thể đạt được.

Về việc 6 tháng cuối năm có đạt được tăng trưởng 10% hay không, theo tôi sẽ phải đợi hết tháng 5, tháng 6 khi việc thương lượng các đơn hàng đã hoàn thành thì lời giải mới rõ ràng hơn.

Tuy nhiên với tín hiệu chung đang tốt dần lên, tôi hoàn toàn tin tưởng mục tiêu 10% tăng trưởng của năm nay, tuy là mục tiêu cao nhưng với nỗ lực phấn đấu chung của toàn ngành và sự tập trung tốt về nguồn lực thì ngành dệt may Việt Nam có thể đạt được kết quả này.

Tin liên quan
Tin khác