Sức khỏe doanh nghiệp
Vinawaco nguy cơ “đắm” với khoản nợ tiền cổ phần hóa
Bảo Như - 28/04/2020 10:11
Việc xử lý các tồn tại tài chính nằm ngoài sổ sách khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa kéo dài quá lâu đang khiến Tổng công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam (Vinawaco) gặp nhiều khó khăn.
Trụ sở Tổng công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam (Vinawaco). Ảnh: A.M

Bí lối thoát

Kỳ vọng về lối thoát cho khoản nợ 60 tỷ đồng của Vinawaco tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang tắt dần nếu chiểu theo Văn bản số 797/ĐTKDV-ĐT2 vừa được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc SCIC khẳng định, đơn vị này không có chức năng tiếp nhận, theo dõi, xử lý các khoản nợ, tài sản tồn đọng khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, đề xuất chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Vinawaco từ Bộ GTVT sang SCIC để tổ chức bán và trả nợ cho Vietcombank là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của SCIC.

Lãnh đạo SCIC cho rằng, khoản nợ phải trả của Vinawaco tồn đọng tại Vietcombank là tồn tại trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Vinawaco. Vì vậy, Bộ GTVT với tư cách là cơ quan chủ trì, quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp tiếp tục làm rõ, xử lý dứt điểm và xác định chính thức giá trị vốn nhà nước tại Vinawaco làm cơ sở chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp này sang SCIC.

Vào tháng 3/2020, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý tồn tại tài chính và quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco, với điểm nhấn chính liên quan đến khoản vay từ Vietcombank. Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng cho phép bộ này được phê duyệt quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco tại thời điểm bàn giao sang công ty cổ phần, trong đó không tính khoản nợ Vietcombank trong quyết toán bàn giao. Sau khi thực hiện quyết toán, Bộ GTVT sẽ phối hợp với SCIC bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vinawaco về SCIC, đồng thời bàn giao khoản nợ Vietcombank của Vinawaco thời kỳ doanh nghiệp nhà nước về SCIC. Trên cơ sở đó, SCIC tổ chức thoái vốn tại Vinawaco và dùng tiền bán vốn để trả nợ Vietcombank để Vietcombank nộp ngân sách nhà nước.

Cần phải nói thêm, khoản công nợ này được phát lộ vào tháng 9/2016, khi Vinawaco nhận được thông báo của Vietcombank Chi nhánh TP.HCM yêu cầu phải trả 53,1 tỷ đồng tiền vay do nhận bàn giao 3 tàu vận tải từ năm 1995. Trong số này, Vietcombank cho biết, nợ gốc là 12,59 tỷ đồng, nợ lãi vay 27,2 tỷ đồng, nợ lãi phạt 27,2 tỷ đồng (tính đến ngày 15/2/2017).

Tại thời điểm đó, Vinawaco đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần được khoảng 2 năm, nên đương nhiên, HĐQT (do cổ đông bên ngoài nắm quyền chi phối) tại Tổng công ty  không chấp nhận khoản nợ.

Dích dắc nợ nần

Năm 1995, được sự chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, Vinawaco đã tiếp nhận 3 tàu vận tải hoạt động không có hiệu quả được đầu tư từ các khoản vay Vietcombank để hỗ trợ khó khăn cho Công ty Vietrancimex. Tuy nhiên, thay vì gia tăng tiềm lực, việc tiếp nhận 3 tàu vận tải lại khiến Vinawaco gặp nhiều khó khăn, gây thua lỗ, lâm vào tình trạng phá sản.

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng phương án xử lý tài chính cho doanh nghiệp này. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng đã đồng ý hỗ trợ Vinawaco xử lý nợ vay tồn đọng 3 tàu vận tải tại Công văn số 791/VPCP-KTTH ngày 21/2/2005. Trên cơ sở đó, Vinawaco đã hạch toán xóa toàn bộ nợ và lãi phát sinh, không theo dõi trên sổ sách kế toán từ năm 2005. Khi tiến hành cổ phần hóa, trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Vinawaco cũng không xuất hiện khoản nợ này.

Vietcombank cũng có trách nhiệm lớn đối với khoản tồn đọng tài chính trên, bởi trong khoảng thời gian 10 năm (2005 - 2015), dù Vinawaco thường xuyên có quan hệ tín dụng với các ngân hàng, nhưng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam không hề xuất hiện khoản nợ xấu đó. Ngoài ra, thời điểm Vietcombank cổ phần hóa năm 2007, Ngân hàng cũng không thông báo, đối chiếu công nợ với Tổng công ty. Đến năm 2016, Vietcombank Chi nhánh TP.HCM mới “sực nhớ” và thông báo cho Vinawaco về khoản nợ.

Ở chiều ngược lại, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là không thực hiện xóa nợ gốc, mà chỉ xem xét miễn, giảm lãi vay, lãi phạt đối với khoản nợ này.

Trên thực tế, trong suốt 3 năm qua, Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc với Vinawaco, yêu cầu Tổng công ty hạch toán kế thừa và ghi nhận khoản nợ của Vietcombank để hoàn thành việc quyết toán vốn nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, HĐQT Vinawaco không nhận nợ đối với khoản nợ này, không xác nhận khoản nợ Vietcombank tại thời điểm chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần, nên Bộ GTVT không có cơ sở số liệu để thực hiện quyết toán vốn nhà nước.

Trong khi đó, việc chậm trễ trong quyết toán vốn lần 2 để thực hiện bàn giao khiến Vinawaco gặp khó khăn về tài chính khi nợ phải thu không thu được, nợ phải trả chưa đủ cơ sở để thanh quyết toán. Doanh nghiệp này luôn bị cưỡng chế thi hành án, các tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản.

Vinawaco cũng đề nghị Bộ GTVT, trong giai đoạn chưa quyết toán vốn lần 2, cho phép đơn vị được toàn quyền thoái vốn tại 7 công ty liên kết kinh doanh kém hiệu quả, thu hồi một phần vốn đầu tư tài chính dài hạn lên tới hơn 110 tỷ đồng, cũng như tổ chức thanh lý tài sản, phương tiện, thiết bị không khai thác được hoặc kém hiệu quả để giảm tổn thất.

“Những vướng mắc này đang khiến hoạt động của Vinawaco gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khoản đầu tư có nguy cơ mất trắng nếu không thoái kịp thời”, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco cho biết.

Tin liên quan
Tin khác