Bộ Giao thông chờ đợi việc xã hội hóa đường sắt sẽ khiến diện mạo ngành này ngày một thân thiện hơn |
Thông tin này đường Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Trần Ngọc Thành cho biết tại cuộc họp xã hội hóa lĩnh vực đường sắt đầu tuần của Bộ Giao thông vận tải.
Vingroup là một trong những cái tên đáng chú ý nhất khi Bộ Giao thông thực hiện thí điểm nhượng quyền khai thác các dự án hạ tầng. Tập đoàn đã đề nghị mua 80% cổ phần Nhà nước tại hai cảng biển lớn nhất nước là Sài Gòn và Hải Phòng. Doanh nghiệp này cũng vừa được chỉ định thầu tại dự án cảng hành khách Phú Quốc.
Theo Chủ tịch Đường sắt, ngoài Vingroup, Tổng công ty đã mời một số doanh nghiệp như Công ty CP Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng, Công ty CP Giao nhận và vận chuyển Indo Tran Logistics (ITL), Công ty TNHH Express Trains vào tìm hiểu một số dự án mà ngành xếp vào danh mục kêu gọi xã hội hóa.
Lãnh đạo Tổng công ty cho hay, thời gian qua, các ga Xuân Giao, Yên Viên, Đồng Đăng, Sóng Thần đã nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác và hai bên đang nghiên cứu để đề xuất cơ chế phù hợp.
Trong khi đó, các ga lớn (được xếp vào nhóm ga loại 1) như Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Đăng, Lào Cai, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Diêu Trì, Nha Trang, Sài Gòn... cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nhưng vì có liên quan đến quy hoạch chi tiết đường sắt và các dự án đường sắt đô thị của các địa phương nên cơ chế cần phải tháo gỡ có nhiều nội dung vượt thẩm quyền của Tổng công ty, do vậy cần xây dựng đề án tổng thể để đề xuất cơ quan có thẩm quyền.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc xã hội hóa các dự án là tất yếu, trong điều kiện tự thân ngành rất nhiều khó khăn, khai thác từ hàng trăm năm nay, cần đầu tư lớn, vì thế phải có các giải pháp quyết liệt. “Đề án phải công khai minh bạch điều kiện, cơ chế cũng như danh mục các dự án kêu gọi thì mơi hấp dẫn nhà đầu tư. Hết quý 2 năm nay việc xã hội hóa một số dự án như các ga Yên Viên, Đồng Đăng, Sóng Thần phục vụ logistic phải xong”, Bộ trưởng yêu cầu.
Trước đó, tại một hội nghị đầu năm nay, Cục Đường sắt đã đề xuất thí điểm nhượng quyền quản lý, kinh doanh kho bãi ga Yên Viên; kêu gọi đầu tư nhà ga, kho bãi của các ga Sóng Thần, Bỉm Sơn, Giáp Bát, Lào Cai, Đồng Đăng, khu ga Cái Lân và bãi cảng Cái Lân, ga Xuân Giao.
Trong khi đó, danh mục mà Tổng công ty đề nghị gồm có 8 hạng mục như dự án kinh doanh, xây dựng trung tâm đường sắt logistics, cụm kho bãi ga Yên Viên; Dự án cải tạo, mở rộng ga Xuân Giao A; Dự án đầu tư nâng cấp và cải tạo ga hàng hóa Đồng Đăng.
Về hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt xây dựng mới, ngành sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư dự án đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; tuyến đường sắt Biên Hòa -Vũng Tàu.