Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 2,6% trong khi mục tiêu doanh thu vẫn tăng trưởng hai chữ số |
CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) vừa gửi tờ trình kế hoạch kinh doanh tới các cổ đông để chuẩn bị cho cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 dự kiến tổ chức vào ngày 29/4 tới đây. Theo đó, doanh nghiệp này đề ra kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 8.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng. Trong khi kế hoạch doanh thu vẫn tăng trưởng hơn 22% so với năm 2020, Vĩnh Hoàn đề ra mục tiêu lợi nhuận khá thận trọng khi giảm 2,64%.
Tỷ suất lợi nhuận ròng kế hoạch xấp xỉ 8,14%. Sau khi vươn lên đạt 15,55% năm 2018, con số này đã liên tục giảm trong hai năm gần đây, đạt gần 15% trong năm 2019 và 10,22% trong năm 2020.
Năm 2020, Vĩnh Hoàn đề ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 6.450 tỷ đồng và 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận chỉ hoàn thành 90% mục tiêu, trong khi doanh thu vẫn vượt kế hoạch đề ra tới 9%. Với mức lợi nhuận đạt được 719 tỷ đồng, Vĩnh Hoàn trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận với tỷ lệ cổ tức là 20%, bằng tiền mặt. Toàn bộ phần cổ tức này đã được công ty tạm ứng chi trả cho các cổ đông từ tháng 10/2020.
Tỷ lệ cổ tức dự kiến cho năm 2021 sẽ từ 10% -20% (1.000 – 2.000 đồng/cổ phần). HĐQT đề xuất cổ đông ủy quyền lựa chọn ngày chốt danh sách cổ đông và quyết định tỉ lệ cụ thể để chi trả cổ tức và thực hiện các thủ tục cần thiết liên quan đến việc chi trả cổ tức theo quy định của Điều lệ công ty và pháp luật hiện hành.
Ngoài kế hoạch kinh doanh, công ty cũng trình cổ đông thông qua phương án đầu tư năm 2021 với tổng giá trị 1.300 tỷ đồng. Trong đó, Vĩnh Hoàn dự kiến chi 700 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại giống Vĩnh Hoàn và sở hữu đất cho khu liên hợp nông nghiệp – thủy sản công nghệ cao. Cùng đó, công ty sẽ cải tạo nhà máy tại Thanh Bình và Thực phẩm Vĩnh Phước (200 tỷ đồng) và dành cho các khoản đầu tư khác 400 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2020, quy mô tài sản của doanh nghiệp thủy sản này xấp xỉ 7.202 tỷ đồng, mở rộng 8,9% so với cuối năm 2019. Ngay những tháng đầu năm 2021, Vĩnh Hoàn đã hoàn tất thương vụ M&A mua lại hơn 51% cổ phần CTCP Sa Giang với thương hiệu bánh phồng tôm truyền thống. Không dừng lại, doanh nghiệp ngành thủy sản này còn đang rục rịch kế hoạch mua thêm 25,43% vốn Sa Giang từ bốn cá nhân, dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu 76,72%.