- Vĩnh Long được phép chuyển mục đích sử dụng 16,81 ha đất trồng lúa để thực hiện dự án đường giao thông
- Vĩnh Long công bố, xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2022
- Lập Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long
- Vĩnh Long đầu tư khu tái định cư Khu công nghiệp Bình Tân vốn gần 300 tỷ đồng
Đến năm 2030 là tỉnh phát triển mạnh về kinh tế nông nghiệp
Khoảng 392.900 tỷ đồng là nhu cầu vốn đầu tư thời kỳ 2021 - 2030 của Vĩnh Long, dựa trên phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế mà tỉnh lựa chọn là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân cả giai đoạn đạt khoảng 8%/năm. Đến năm 2030, đóng góp chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh là dịch vụ, chiếm khoảng 43,5%; nông nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 19,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 30,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,5%.
Mục tiêu trên được Vĩnh Long đề ra trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua hôm 13/4, với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, Vĩnh Long có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, hệ thống giao thông thuận lợi tạo điều kiện để tỉnh kết nối chặt chẽ với TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Tỉnh có hệ thống giao thông đường thủy rất thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa được tạo bởi sông Tiền và sông Hậu thông qua hệ thống cụm cảng Vĩnh Long. Bên cạnh đó, Vĩnh Long là vùng trọng điểm sản xuất rau màu và nuôi trồng thủy sản và có lợi thế phát triển ngành chế biến nông sản, cung cấp đầu vào cho nông nghiệp.
Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long, một trong 3 khâu đột phá chiến lược là đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng các khu chức năng (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, khu logistics…), hạ tầng đô thị, năng lượng, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Vĩnh Long đặt mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững; trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp chế biến - chế tạo công nghệ cao, du lịch, dịch vụ logistics của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Xác định rõ các đột phá cho phát triển kinh tế
Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long, về không gian phát triển, tỉnh tập trung phát triển trục động lực công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo Quốc lộ 1 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; phát triển cân đối, hài hòa, kết nối hợp lý giữa đô thị và nông thôn tại khu vực phía Đông Nam của tỉnh.
Đến năm 2025, toàn tỉnh có 12 đô thị, trong đó có 1 loại II, 1 loại III và 2 loại IV. Định hướng sau năm 2030, tỉnh đầu tư nâng cấp khu vực xã Song Phú, Hòa Thạnh (huyện Tam Bình); các đô thị Quới An, Tân An Luông (huyện Vũng Liêm); đô thị Tân Thành (huyện Bình Tân) đạt tiêu chí đô thị loại V.
Để liên kết đô thị và nông thôn, Vĩnh Long sẽ tái cấu trúc hệ thống định cư nông thôn để tăng tính tập trung. Liên kết bằng đường thủy và bộ, trên mô hình cung cấp dịch vụ đô thị phân cấp 3 tầng: giữa các vùng nông thôn và trung tâm xã trong bán kính 5 km; giữa các trung tâm xã và trung tâm huyện trong bán kính 10 km; giữa các trung tâm huyện và từ trung tâm các huyện về 5 cực phát triển của Vĩnh Long trong bán kính khoảng 25 km.
Theo TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, với vị trí là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long là địa phương được ưu tiên trong vùng về phát triển hạ tầng quốc gia, do đó cần phải tận dụng tốt lợi thế này. Tuy nhiên, Dự thảo Quy hoạch tỉnh chưa thể hiện được sự liên kết giữa đô thị và nông thôn.
Có chung quan điểm về vị trí “đắc địa” của tỉnh Vĩnh Long, TS. Hoàng Ngọc Phong, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Quy hoạch tỉnh cần so sánh phát triển kinh tế của Vĩnh Long với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long để xác định được vị thế kinh tế của tỉnh nhằm lựa chọn các lĩnh vực tạo đột phá trong phát triển kinh tế.
Tiếp thu ý kiến các chuyên gia, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết, tỉnh sẽ xem xét, tính toán lại để lựa chọn đột phá như sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, ưu tiên phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái dựa trên lợi thế riêng của tỉnh.