Cụ thể, để giúp khách hàng duy trì hoạt động, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn; giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên.
Tính đến 30/9/2021, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt 97.500 tỷ đồng, tăng 10,73% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 66.000 tỷ đồng, tăng 13%; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 6,25% so với cuối năm 2020.
Tổng nguồn vốn huy động đến 30/9/2021 ước đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 0,13% so với cuối năm 2020.
Vĩnh Phúc là tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ kép chống dịch và phát triển kinh tế. Ảnh: Internet. |
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, tạo nguồn thu ngân sách; đồng thời để chủ động các biện pháp cân đối thu chi, xây dựng các kịch bản với các phương án rất cụ thể. Kết thúc 9 tháng, tổng thu ngân sách trên địa bàn Tỉnh đạt 24.680,4 tỷ đồng, đạt 80% dự toán và bằng 123% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thu nội địa 20.911,8 tỷ đồng, đạt 77% dự toán và bằng 124% so với cùng kỳ năm 2020.
Công tác quản lý chi ngân sách đã được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng vẫn bảo đảm các nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, xã hội của địa phương.
Trong 9 tháng, tổng chi ngân sách địa phương đạt 11.623,2 tỷ đồng, đạt 70% dự toán và bằng 109% so cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 5.674,7 tỷ đồng, đạt 95% dự toán và bằng 109% so cùng kỳ.