Trong 5 năm hoạt động, VINIF đã tài trợ trên 100 Dự án khoa học công nghệ và văn hóa, lịch sử; cấp 1.200 suất học bổng; hỗ trợ 2.500 nhà khoa học… với tổng kinh phí lên tới gần 800 tỷ đồng, góp phần tiếp sức cho sự phát triển của nghiên cứu khoa học nước nhà.
Quỹ VINIF được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các nhà khoa học trẻ thuộc các trường Đại học, Học viện thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sau 5 năm, Quỹ đã mở rộng quy mô cả về chiều rộng và chiều sâu khi đồng thời triển khai 7 chương trình. Đó là Dự án Khoa học khoa học công nghệ; Học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ; Hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu; Học bổng sau Tiến sĩ trong nước; Hội thảo và sự kiện; Bài giảng đại chúng và giáo sư thỉnh giảng và Lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử (VHLS). Các chương trình có sự tham gia của Hội đồng khoa học với hơn 300 nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước, các nhà quản lý, các chuyên gia chính sách, tài chính cùng đóng góp tư vấn và phản biện.
Những con số ấn tượng qua các chương trình tài trợ của VINIF. |
Tổng kinh phí của Quỹ dành cho các hoạt động tài trợ đến nay đã lên tới gần 800 tỷ đồng.
Cụ thể, trong lĩnh vực khoa học công nghệ: Quỹ đã tài trợ cho hơn 100 dự án, 6 đề án đào tạo thạc sĩ liên kết, hơn 1.100 suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ và 90 suất học bổng sau tiến sĩ. Ở lĩnh vực Văn hóa lịch sử, Quỹ đã tài trợ 8 dự án cùng 30 sự kiện.
Ngoài ra, VINIF cũng liên tục tổ chức và triển khai 130 hội thảo KHCN uy tín, các bài giảng đại chúng có tầm ảnh hưởng sâu rộng với nhiều Giáo sư hàng đầu thế giới và trong nước.
Kết quả sau 5 năm, VINIF đã góp phần tạo ra hàng ngàn công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, gần 400 sản phẩm, trên 70 phát minh sáng chế, gần 20 doanh nghiệp start-up, spin-off (hình thức thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ) hình thành. Các chương trình của VINIF đã góp phần thay đổi văn hóa nghiên cứu khoa học, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám, tạo nên những ngành đào tạo mới cho đất nước như các ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. VINIF cũng đồng thời thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử mang bản sắc dân tộc.
Phát biểu tại Hội thảo tổng kết 5 năm hoạt động, Giáo sư Vũ Hà Văn (Giám đốc Khoa học Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF - Tập đoàn Vingroup) chia sẻ: “VINIF được Tập đoàn Vingroup thành lập với mong muốn góp phần xây dựng một văn hóa nghiên cứu sáng tạo, trung thực và mang chuẩn mực quốc tế - tạo lập một lớp các nhà khoa học trẻ sáng tạo, có trách nhiệm với xã hội. Phần thưởng lớn nhất cho VINIF trong 5 năm qua, đó là các chương trình tài trợ của chúng tôi đã thu hút được sự tin tưởng từ các nhà khoa học, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, cao hơn nữa là sự theo dõi sát sao từ các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là tiền đề để tạo ra những bước ngoặt lớn hơn trong việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học tại Việt Nam”.
Các chương trình của VINIF không chỉ góp phần làm đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ Việt Nam, mà còn được kỳ vọng tác động tích cực đối với hoạt động tài trợ, hỗ trợ khoa học hiện hành.
Đại diện Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) chụp ảnh lưu niệm cùng các vị đại biểu. |
GS.TS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong các tổ chức nhận được hỗ trợ nhiều nhất từ Quỹ VINIF với 10 dự án, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng trong vòng 3 năm qua. Nhờ có nguồn hỗ trợ này, chúng tôi đã mạnh dạn ban hành Quy định về việc hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu/năm cho các nghiên cứu sinh và 120 triệu/năm cho các tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế xuất sắc”.
Phương thức xét chọn tài trợ công bằng, thực chất, đề cao chất lượng đã trở thành đặc trưng của Quỹ. “Cách VINIF tài trợ cho các dự án góp phần làm thay đổi cơ chế, cách xét chọn, đánh giá các đề tài theo hướng có chất lượng, tinh gọn. Các tác động tích cực này không những ảnh hưởng tới Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn tới cộng đồng khoa học, các cơ quan quản lý trong nước”, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ.
Hội thảo “Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup - Dấu ấn 5 năm hoạt động” có sự tham gia của hơn 300 người gồm lãnh đạo các Đại học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện nghiên cứu, các chuyên gia chính sách, tài chính và các nhà khoa học. Tại hội thảo, ngoài các công trình, dự án khoa học công nghệ quan trọng được trình bày, sự kiện còn có 2 Tọa đàm “Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hướng tới thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ” và “Cơ hội, thách thức và giải pháp trong nghiên cứu và đào tạo khoa học công nghệ”.