Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu lên điểm 1,2% giữa phiên giao dịch 24/1. Ảnh: AFP |
Nhìn lại tuần qua, chứng khoán thế giới có một tuần u ám do nhà đầu tư lo ngại virus viêm phổi lạ chủng corona lan rộng sau khi khiến 25 người tử vong tại Trung Quốc và hơn 800 ca nhiễm bệnh. Nhà đầu tư chỉ thở phào yên tâm hơn sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch bệnh do virus corona chưa đến mức báo động toàn cầu.
Chứng khoán châu Á hồi phục nhẹ phiên hôm nay 24/1, với chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) nhích 0,13% còn chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng tăng tương tự, 0,13%.
Thông tin đáng chú ý trên thị trường châu Âu là việc cơ quan quản lý cạnh tranh Anh tiến hành điều tra kỹ lưỡng vụ Takeaway.com thâu tóm đối thủ Just Eat. Động thái này có thể làm trì hoãn việc hoàn tất thỏa thuận giữa 2 bên để tạo ra hãng chuyển phát lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, công ty truyền thông Axel Springer (Đức) vừa cho biết họ dự định hủy kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt sau khi được công ty đầu tư tư nhân KKR (Mỹ) tiếp quản.
Thêm thông tin đáng chú ý trên thị trường châu Âu là việc gã khổng lồ viễn thông Ericsson của Thụy Điển đã quyết định tăng cổ tức năm 2019 trước phiên giao dịch 24/1, dù báo cáo thu nhập quý IV/2019 của công ty này không như kỳ vọng của các nhà phân tích do hoạt động kinh doanh sụt giảm và chi phí tăng cao. Cổ phiếu của Ericsson mất 5,4% ngay đầu phiên 24/1.
Cổ phiếu ngân hàng Virgin Money mở phiên tăng 5,7% và dẫn đầu sóng tăng trong rổ chỉ số Stoxx 600 sau khi ngân hàng này cho biết Chủ tịch Jim Pettigrew sẽ nghỉ hưu vào tháng 9/2021.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) công bố sáng 24/1 cho thấy hoạt động kinh doanh của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro) chưa đủ mạnh để có một khởi đầu tốt cho năm 2020, nhưng nhiều nhận định cho rằng PMI sẽ tăng lên vẫn giúp thị trường chứng khoán châu Âu lên điểm.
Chỉ số PMI khu vực đồng tiền chung châu Âu do công ty phân tích thị trường IHS Markit công bố đứng ở mức 50,9 trong tháng 1/2020, thấp hơn mức 51,2 mà các nhà kinh tế dự báo trước đó.
Suy thoái công nghiệp ở châu Âu tiếp tục ảnh hưởng đến chỉ số PMI. Cụ thể, chỉ số PMI ngành sản xuất chế tạo chỉ đạt 47,8 trong tháng 1, nhưng đã cải thiện đáng kể so với mức 46,3 trong tháng 12/2019 và cao hơn dự báo 46,8 cho tháng 1 trước đó.
Riêng chỉ số PMI của Anh đạt 52,4 trong tháng 1, cao hơn dự báo 50,6 trước đó nhờ cả 2 chỉ số của ngành sản xuất và dịch vụ đều tăng trưởng vượt xa kỳ vọng.