Doanh nghiệp
Vissan giảm 20% kế hoạch lợi nhuận trước thuế so với năm 2019
Hồng Phúc - 18/04/2020 11:00
Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, UpCom: VSN) đặt kế hoạch tổng doanh thu năm nay khoảng 5.580 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng (giảm 20% so với năm 2019).
Các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 của Vissan.

Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Long An là dự án trọng điểm của Vissan, diện tích 22,4 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD.

Ban lãnh đạo Vissan giới thiệu, đây là cụm công nghiệp chế biến thực phẩm lớn nhất Việt Nam và đầu tiên trên cả nước được xây dựng khép kín, mang tính liên hoàn trong các khâu của quy trình sản xuất, theo “chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn”.

Đến cuối quý 4/2020, dự kiến việc lắp đặt và vận hành chạy thử dây chuyền giết mổ lợn công suất 360 con/giờ và năm 2021, toàn bộ các hạng mục của công trình, các thủ tục kiểm toán và quyết toán dự án công trình cụm công nghiệp này sẽ được hoàn thành.

Hiện, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một Thành Viên (SATRA) nắm 67,76% vốn và CTCP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế ANCO sở hữu 24,94% tại Vissan.

Kết quả kinh doanh năm 2019 và 2018 của Vissan

Năm 2019, Vissan ghi nhận tổng doanh thu đạt kỷ lục, xấp xỉ 5.000 tỷ đồng (tăng 11,79% so với năm 2018). Cơ cấu doanh thu gồm 2 mảng chính là thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến.

Tương ứng với sự gia tăng doanh thu và tiết giảm chi phí, lợi nhuận gộp của Vissan đạt 1.041 tỷ đồng (tăng 14,6% so với cùng kỳ).

Biên lợi nhuận gộp tăng 0,48% so với năm 2018 (đạt 20,93%).

Nếu trừ khoản điều chỉnh giảm chi phí từ hoàn nhập Quỹ phát triển khoa học công nghệ với giá trị 20 tỷ đồng thì 206 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2019 trở thành mức cao nhất trong lịch sử 43 năm hoạt động của Vissan.

Tình hình dịch tả lợn châu Phi lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và giá thịt tăng cao trong những tháng cuối năm khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm.

Đây là một nguyên nhân ảnh hưởng đến sản lượng thịt lợn Vissan bán ra chỉ đạt 92% kế hoạch năm 2019.

Đơn vị này chủ yếu kinh doanh bò Úc nhập khẩu. Đàn bò được nhập khẩu từ Úc dưới hình thức bò hơi, sau thời gian kiểm dịch sẽ giết mổ, cung ứng thịt tươi và nguyên liệu chế biến. 

Số lượng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích (kênh bán hàng hiện đại-MT) được liên tục phát triển giúp Vissan tăng sản lượng thực phẩm chế biến bán ra khoảng 15% so cùng kỳ năm 2018 và tăng 11% tại kênh bán hàng truyền thống (GT).

Theo Báo cáo thường niên năm 2019 Vissan, đơn vị này có hơn 130.000 điểm bán, gần 120 nhà phân phối, hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Và không doanh nghiệp cùng ngành nào có thể duy trì được 130.000 điểm bán như Vissan, do “rổ” sản phẩm không đủ đa dạng.

Tổng doanh thu xuất khẩu thực phẩm chế biến trong năm 2019 xấp xỉ 532.5 nghìn USD giúp Vissan nhận định, tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng chế biến là rất lớn.

Do đó, đơn vị này đang phát triển thêm một số mặt hàng mới và thị trường mới như cá xốt cà (Nhật Bản), chả giò chay (Mỹ), jampon và chả lụa (Singapore), mắm chưng (Úc),…

Các con số của Vissan tự công bố:

Chiếm 70% thị phần lạp xưởng, 65% xúc xích tiệt trùng, 40% thị phần hàng đông lạnh, 30% thị phần cả giò, 20% thị phần đồ hộp tại thị trường nội địa.

Cả năm 2019, tổng sản lượng thịt lợn do Vissan bán ra đạt hơn 24.300 tấn (tăng 1% so với cùng kỳ 2018 nhưng chỉ bằng 92% kế hoạch năm).

Về thịt bò, tổng sản lượng bán ra đạt hơn 1.600 tấn (tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 106% kế hoạch năm 2019).

Về sản lượng thực phẩm chế biến, Vissan bán ra trên 26.200 tấn (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 105% kế hoạch năm 2019).

Tổng chi phí lương cho 4.878 người lao động (tính đến cuối năm 2019) là 553 tỷ đồng, với thu nhập bình quân 9,1 triệu đồng/tháng (tăng 13% so với năm 2018).

Năm 2019, nộp ngân sách 240 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2018).
Tin liên quan
Tin khác