Hồi phục mạnh sau Tết
Thống kê diễn biến giao dịch VN-Index trong 6 năm gần đây, trừ năm 2020 chịu ảnh hưởng của biến cố dịch bệnh, thị trường chứng khoán hầu hết có đợt sóng tăng sau Tết. Đa phần là sự hồi phục sau giai đoạn giảm trước Tết. Sự hồi phục tích cực ngay phiên khai Xuân mở ra kỳ vọng về đà tăng sau cú rơi từ giữa tháng 1/2021.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 18,7 điểm (1,26%) lên 1.497,66 điểm. HNX-Index tăng 2,6 điểm (0,62%) lên 419,33 điểm. UPCoM-Index tăng 1,02 điểm (0,93%) lên 110,75 điểm.
Như lò xo nén sau một tuần dài nghỉ giao dịch, VN-Index bật tăng ngay từ thời điểm mở cửa. Chỉ số sàn HoSE từng có thời điểm tăng lên cao nhất hơn 1.505 điểm, tương đương tăng gần 27 điểm.
VN-Index từng có thời điểm vượt 1.505 điểm |
Toàn sàn có 679 mã tăng, 117 mã tăng trần. Trong khi đó, chỉ có 153 mã giảm và 12 mã giảm sàn. Sắc xanh lan tỏa ở hầu hết các ngành. Nhóm cổ phiếu vận tải, dịch vụ lưu trú, điện, dầu khí bật tăng mạnh. Kỳ vọng nhiều hoạt động kinh doanh trở lại khi vaccine được phủ rộng đã thúc đẩy giá cổ phiếu của các hãng hàng không, lưu trú, lữ hành.
Cổ phiếu VJC và HVN của hai hãng hàng không tăng kịch biên độ. Cổ phiếu SKG của công ty Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang cung cấp vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường thủy nội địa ở các tuyến quanh Phú Quốc cũng tăng 6,9%. Địa chỉ du lịch này cũng là nơi đón lượt khách lớn trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán năm nay. Nhiều doanh nghiệp vận tải, kho bãi khác cũng tăng trần như GMD, HAH, VOS,…
Nhóm doanh nghiệp điện cũng được kỳ vọng sẽ hồi phục khi nhu cầu phụ tải điện tăng. Trừ cổ phiếu REE giảm 0,6%, hầu hết cổ phiếu điện đều tăng giá. Cổ phiếu POW, GEG tăng trên 6%.
Sắc xanh phủ rộng trên ba sàn chứng khoán |
Giao dịch trong phiên đầu năm vẫn còn khá khiêm tốn, đặc biệt là từ phiên chiều. Tổng giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 20.796 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh đạt 19.582 tỷ đồng, giảm 11,6%. Khối ngoại đã có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp. Trên ba sàn, các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân thêm gần 340 tỷ đồng. Dù lực bán khá mạnh ở cổ phiếu VIC (334 tỷ đồng), HPG (162 tỷ đồng), lực cầu vẫn lớn hơn, rải ở khá nhiều cổ phiếu. Các cổ phiếu được mua vào mạnh nhất là VHM (193 tỷ đồng), KBC (148 tỷ đồng), SSI (132 tỷ đồng), hay PNJ và CTG đều được mua ròng trên 50 tỷ đồng.
VIC giảm gần 6%, lực bán ra lớn từ khối ngoại
Ở nửa cuối phiên chiều, VN-Index và HNX-Index thu hẹp đáng kể đà tăng. Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến VN-Index chính là VIC. Cổ phiếu Vingroup hầu hết giao dịch trong sắc đỏ, Từ phiên chiều, cổ phiếu lao dốc mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên (91.200 đồng/cổ phiếu), giảm 5,98% so với phiên trước Tết. Cú giảm sau 5 phiên tăng liên tiếp đã đưa cổ phiếu VIC về mức thấp nhất kể từ 22/10/2021.
Khối lượng giao dịch tăng vọt lên hơn 7,4 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị giao dịch 704 tỷ đồng. Lượng bán lớn từ khối ngoại chiếm tới 47% tổng khối lượng bán ra và gia tăng áp lực lên cổ phiếu Vingroup.
Kết quả kinh doanh của Vingroup gây bất ngờ cho cổ đông khi báo lỗ 7.500 tỉ đồng trong năm 2021. Trong đó, chỉ riêng quý IV, Vingroup lỗ 9.249 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ đầu tiên trong một quý kinh doanh của Vingroup.
Hai cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất là VIC và HPG cũng đồng thời là cổ phiếu có mức thanh khoản lớn nhất trong phiên với mức thanh khoản lần lượt là 710 tỷ đồng (HPG) và 699 tỷ đồng (VIC). Không cổ phiếu nào đạt mức thanh khoản nghìn tỷ đồng trong phiên hôm nay.