Dòng cổ phiếu ngân hàng “ghìm chân”, VN-Index vẫn kịp hồi phục cuối phiên chiều
Lần đầu tiên trong tháng 7, sàn chứng khoán Việt Nam đóng cửa trong sắc xanh ở phiên đầu tuần. Thực tế, chỉ số cả ba sàn đã giao dịch giằng co với sắc đỏ chiếm ưu thế ngay từ đầu phiên sáng. Tuy nhiên, sau khi rơi về ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm, nhiều trụ cột đã hồi phục và dẫn dắt các chỉ số tăng điểm.
Tại thời điểm kết phiên, VN-Index tăng 3,88 điểm (+0,31%) lên 1.272,71 điểm. HNX-Index tăng 1,1 điểm (0,37%) lên 302,88 điểm. Riêng UPCoM-Index giảm 0,5 điểm (-0,59%) xuống 83,87 điểm dù cũng hồi phục nhẹ. Trên hai sàn niêm yết, số lượng các mã giảm giá/tăng giá nhìn chung ngang ngửa, sắc xanh nhỉnh hơn nhưng không quá chênh lệch.
Cả ba sàn đồng loạt hồi phục trong phiên chiều, thanh khoản vẫn èo uột |
Trong top 10 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index, tới 9 cổ phiếu thuộc dòng ngân hàng. Nhiều cổ phiếu đã giảm tới 3% như VIB (-4,1%), VPB (-08%), SSB (-3,06%) hay LPB (-2,97%). Trên sàn HNX, hai tân binh của sàn là DXS và KHG lại là nhân tố “dìm” chỉ số nhiều nhất.
Tuy vậy, sự hồi phục của nhiều ông lớn ngành bất động sản đã dẫn dắt đà phục hồi của VN-Index. Cổ phiếu NVL của Novaland đóng cửa tăng 4,37% dù phần lớn thời gian trước đó giao dịch dưới giá tham chiếu. Đây cũng là mức giá cao nhất và được giao dịch nhiều nhất trong phiên. NVL cũng là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của chỉ số hôm nay. Cổ phiếu một số doanh nghiệp bất động sản khác như Vinhomes (+1,86%), Phát Đạt (+2,14%) và Vingroup (+019%) cũng nằm trong cổ phiếu top đầu tác động tích cực lên chỉ số.
Tuy nhiên, tương tự khá nhiều phiên gần đây, dòng tiền vẫn chưa mấy hào hứng trong các ngày chỉ số tăng điểm. Giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 16.137 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 14.205 tỷ đồng, giảm 22.58% so với phiên cuối tuần trước. Dòng tiền cũng không mấy sôi động trên HNX và UPCoM. Thanh khoản trên ba sàn đạt 18.813 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục ghi nhận phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp nhưng giá trị bán ròng đã thu hẹp đáng kể với gần 62,5 tỷ đồng thu về.
MBB bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất (117 tỷ đồng). KDH và VIC lần lượt bị bán hơn 100 tỷ đồng và 37 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả hai cổ phiếu vẫn đóng cửa trong sắc xanh. NVL và VHM - hai cổ phiếu tăng điểm tích cực đã được khối ngoại giải ngân thêm lần lượt 80 tỷ đồng và 70,6 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại chi hơn 137 tỷ đồng để mua thêm MSB nhưng cổ phiếu này vẫn giao dịch trong sắc đỏ toàn bộ phiên và đóng cửa giảm 0,18%.
Cú đảo chiều bất ngờ của cổ phiếu HNG
Thông tin phát đi cuối tuần trước của HAGL Agrico thông báo việc Thagrico dừng đầu tư mua 741,5 triệu cổ phiếu HNG phát hành mới đã tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu này. Đến cuối phiên sáng, các nhà đầu tư chất dư bán sàn tới 32 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, tình thế đã lật ngược từ phiên chiều khi lệnh mua vào bất ngờ ồ ạt được đẩy vào. Tổng khối lượng khớp trong phiên lên tới 41,61 triệu đơn vị, cao nhất toàn thị trường về khối lượng giao dịch.
Có 3 nguyên nhân dẫn đến quyết định dừng đầu tư góp vốn thêm của Thagrico vào HAGL Agrico. Thứ nhất, Thagrico đã mua nhiều công ty con của HAGL Agrico từ năm 2019 nhưng chưa nhận được giấy tờ đất (do giấy tờ đất đang bị giữ lại ở BIDV). Cùng đó, đầu năm 2021, Thagrico tiếp tục mua thêm 2 công ty con của HAGL Agrico nhưng quyền sử dụng đất cũng đang được sử dụng để bảo đảm cho các khoản vay của HAGL tại BIDV. Cuối cùng, trong điều kiện khó khăn, nhóm cổ đông lớn HAGL liên tục bán ra cổ phiếu khiến giá cổ phiếu HNG giảm xuống dưới mệnh giá.
Tuy nhiên, cũng ngay trong phiên giao dịch hôm nay, HAGL Agrico đã ra thông báo cho biết BIDV đồng ý hoàn trả 3 giấy tờ đất để bàn giao cho Thagrico theo đúng cam kết khi bán các công ty con vào năm 2019. Hoàng Anh Gia Lai cũng đã cam kết dừng, không bán tiếp cổ phiếu HNG. Động thái này đã khiến cổ phiếu HNG quay đầu hồi phục, đóng cửa ở mức giá 8.080 đồng, cao hơn 5,2% so với mức giá sàn.