Tài chính - Chứng khoán
VN-Index giảm 30,48 điểm, cổ phiếu ngân hàng bốc hơi, dòng tiền chờ hàng giá rẻ
Thanh Thủy - 25/07/2021 08:33
Chỉ số VN-Index luân phiên phục hồi và điều chỉnh với biên độ trong phần lớn các phiên đều nằm trong top đầu thế giới.

Chứng khoán Việt Nam tuần qua: Biến động nhất thế giới

Tuần giao dịch thứ ba của tháng 7 khởi đầu với một phiên giảm điểm sâu khi “bốc hơi” tới 55,8 điểm, mức giảm lớn nhất kể từ phiên 6/7 (56,34 điểm).

Xét về con số tương đối, trong khi chỉ số chứng khoán ngày 6/7 giảm chưa đến 4%, VN-Index đã giảm tới 4,29%. Trong cùng ngày, đây cũng là mức giảm sâu nhất so với các chỉ số chứng khoán thế giới.

Cú rơi trên đánh dấu một tuần đầy biến động của VN-Index. Chỉ số sau đó lần lượt luân phiên phục hồi và điều chỉnh với biên độ phần lớn nằm trong top đầu thế giới. Ngay phiên cuối tuần, VN-Index giảm 1,92%. Đây cũng là mức rơi sâu nhất trong các chỉ số chứng khoán đại diện các quốc gia, chỉ sau sàn chứng khoán Chile.

Diễn biến chỉ số VN-Index và thanh khoản sàn HoSE tuần qua. - Đvi: Tỷ đồng

Trong tuần vừa qua, các phiên hồi phục xuất hiện xen kẽ, phản ánh tâm lý thị trường phần nào lạc quan hơn. Thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính Mỹ đạt được những thỏa thuận đã hỗ trợ tích cực giao dịch của thị trường trong phiên thứ Ba. Đây là bước đi quan trọng để Mỹ không điều chỉnh chính sách thương mại với Việt Nam với lý do trợ cấp không bình đẳng thông qua định giá thấp đồng nội tệ.

Cuối ngày 23/7 vừa qua, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ  (USTR) cũng chính thức quyết định không điều chỉnh chính sách thương mại với Việt Nam ở thời điểm này. Cơ quan này cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính Mỹ sẽ giám sát Việt Nam thực hiện các cam kết của mình theo hiệp định và các biện pháp liên quan.

Dù vậy, nỗi sợ hãi vẫn bao trùm thị trường khi dịch Covid-19 lây lan nhanh tại Việt Nam. Đã có thời điểm diễn biến tình hình dịch Covid-19 được kỳ vọng có thể sớm chững lại nhưng số ca nhiễm mới lại liên tục xác lập kỷ lục mới trong tuần qua. Tính đến ngày 24/7, tổng số ca nhiễm trên cả nước đã tăng lên 81.678 trường hợp, trong đó 65.772 ca hiện đang điều trị.

Sau 2 phiên tăng và 3 phiên giảm điểm, VN-Index  giảm 30,48 điểm cả tuần, tương đương mức giảm 2,35%. Chung xu hướng biến động tương tự, HNX-Index giảm 1,95%.  UPCoM-Index cũng giảm 1,12% sau một tuần nhiều thăng trầm. Chỉ số của sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam (HoSE) nằm trong 4 thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tuần và đứng đầu nếu so với thời điểm cách đây một tháng.  

Dòng cổ phiếu ngân hàng là nhóm bị điều chỉnh mạnh nhất tuần qua. Sáu cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index cũng nằm ở dòng này, gồm VCB, VPB, BIDV, CTG, VIB và TCB. Trong đó, cổ phiếu của Vietcombank giảm 5,4% so với cuối tuần trước, đóng góp 5,32 điểm giảm trong tổng mức giảm 30 điểm của tuần. Giá cổ phiếu VCB rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 5. Tương tự, VPB cũng bốc hơi 9,3% trong tuần, trở về vùng giá hồi đầu tháng 5/2021. Trên sàn HNX, SHB cũng là “tội đồ” dìm chỉ số rơi sâu.

Bên cạnh dòng ngân hàng, nhiều cổ phiếu từng tăng mạnh giai đoạn trước tiếp tục xu hướng điều chỉnh. Ở chiều ngược lại, VNM - cổ phiếu “lỡ mất” nhịp tăng trước đây lại đi ngược thị trường tăng 1,98% trong tuần và là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất ở chiều tăng của chỉ số.

Dòng tiền chực chờ hàng giá rẻ, khối ngoại dứt chuỗi tuần mua ròng

Từ cuối tháng 6/202, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận xu hướng điều chỉnh cùng mặt bằng thanh khoản thấp hơn nhiều so với các tháng trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân trên sàn HoSE đạt 18.413 tỷ đồng/phiên, giảm 5,53% so với tuần trước. Thanh khoản tại sàn HNX còn giảm mạnh hơn (18,9%) xuống còn 2.239 tỷ đồng/phiên.

Giá trị giao dịch nhỉnh hơn tại các phiên điều chỉnh, cho thấy dù thận trọng dòng tiền vẫn chực chờ gom cổ phiếu bị bán giá thấp. Điểm trừ của tuần giao dịch này là sự rút lui của khối ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài lại đang trở nên thận trọng hơn, nhất là tại sàn HoSE.

Trên cả 3 sàn, khối ngoại đã bán ròng 37,77 triệu đơn vị, thu ròng 2.602,57 tỷ đồng; trái ngược hẳn so với động thái mua ròng 2.620,91 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.600 tỷ đồng tuần qua sau 3 tuần mua ròng liên tiếp. Trong đó, chỉ riêng giao dịch tại cổ phiếu VIC của Vingroup đã góp xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.

Ngược lại, khối ngoại mạnh tay mua ròng trên sàn HNX. Cổ phiếu PVI đã hút dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài với với giá trị giải ngân riêng tuần này là 346,7 tỷ đồng. trên HoSE, VNM cũng được khối ngoại mạnh tay giải ngân với giá trị mua ròng là 294 tỷ đồng. Sự trở lại của dòng vốn ngoại cũng là một nguyên nhân giúp giá cổ phiếu này diễn biến tích cực tuần qua.

Tin liên quan
Tin khác