VN-Index lập đỉnh mới
Sàn chứng khoán Việt Nam tiếp tục là thị trường giao dịch tích cực nhất trên thị trường chứng khoán châu Á. Liên tiếp hai phiên tăng liên trước, VN-Index đều đứng ở những vị trí dẫn đầu. Sau ba phiên tăng liên tục, chỉ số sàn HoSE tiếp tục xô đổ kỷ lục cũ và chính thức vượt qua mốc 1.500 điểm trong phiên hôm nay.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 11,94 điểm (+0,8%) lên 1.500,81 điểm. HNX-Index tăng 4,09 điểm (+0,9%) lên 459,67 điểm. Riêng UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%) xuống 114,61 điểm.
Sắc xanh tiếp tục áp đảo, ngay cả ở sàn UPCoM. Toàn sàn có 474 cổ phiếu tăng, 81 cổ phiếu tăng trần; trong khi số lượng cổ phiếu giảm chỉ là 390 mã, riêng 13 mã giảm kịch sàn.
VN-Index tăng phiên thứ ba liên tiếp và lần đầu vượt mốc 1.500 điểm |
Dù giảm so với phiên trước, thanh khoản thị trường ở mức cao. Giá trị giao dihcj trên ba sàn đạt 37.474 tỷ đồng. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 34.386 tỷ đồng, giảm 11,16%. SSI là cổ phiếu khớp lênh nhiều nhất trong phiên (1.380 tỷ đồng). VPB và HPG cũng đều đạt giá trị thanh khoản trên nghìn tỷ đồng.
Điểm khá tiêu cực là khối giao giao dịch mạnh và lệnh về phía bán. Khối ngoại bán ròng 933 tỷ đồng trên cả ba sàn. Tuy nhiên, lực bán tập trung ở một số cổ phiếu như VPB bị bán ròng 346 tỷ đồng hay HPG (195 tỷ đồng), MSN (144 tỷ đồng), TCH (108 tỷ đồng), VHM (93 tỷ đồng) hay DXG (91 tỷ đồng). Hai cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa là TCH và DXG đều tăng kịch biên độ dù bị các nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh. Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng thu hút lượng tiền giải ngân lớn, nhiều nhất là STB (73 tỷ đồng), CTG (57 tỷ đồng) hay VCB (57 tỷ đồng)…
Cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm chú ý của thị trường các phiên gần đây. Dòng cổ phiếu nhà băng đồng loạt dậy sóng phiên 24/11 là động lực kéo VN-Index cùng các chỉ số bứt phá mạnh. Giao dịch phân hóa hơn trong phiên hôm nay. Tuy vậy, VCB vẫn là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho đà tăng của VN-Index (2,21 điểm tăng). Với mức tăng 2,19%, giá cổ phiếu VCB đã vươn lên 107.100 đồng/cổ phiếu, đồng thời, lấy lại ngôi vương vốn hóa thị trường.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng khác như BID, TCB, HDB, CTG hay MSB, ACB lại là yếu tố “dìm” VN-Index rơi sâu. Dù có một vài ông lớn ngân hàng tăng, số lượng mã giảm giá mới là phe chiếm tỷ lệ đa số.
Còn trên sàn HNX, BAB và NVB là cổ phiếu góp nhiều điểm giảm nhất. Tuy vậy, THD - trụ cột với quy mô vốn hóa lớn vẫn neo HNX-Index tăng.
Theo đánh giá của VCBS, VN-Index thời gian qua vẫn đang duy trì đà tăng tương đối tích cực sau khi thử thách thành công ngưỡng 1.450 điểm (tương ứng với đường trung bình động 20 ngày), chủ yếu là nhờ lực kéo của một số cổ phiếu “trụ” mà đáng chú ý là các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, theo chuyên gia từ công ty chứng khoán này, dưới góc nhìn kỹ thuật, một số chỉ báo động lượng đã đi vào vùng quá mua có thể kích hoạt nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong một vài phiên tới.
Cổ phiếu TDH thoát cảnh “đo sàn” dù CEO nhận lệnh khởi tố
Theo thông tin mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông tin chi tiết chưa được công bố nhưng hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Hai ngày ngay trước khi quyết định trên được công bố, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng đã có đơn xin từ nhiệm tư cách thành viên HĐQT và rút khỏi HĐQT của công ty kể từ ngày từ nhiệm vì lý do cá nhân. Đồng thời, ông cũng từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc từ ngày HĐQT công ty chấp thuận.
Cổ phiếu TDH đã có thời điểm giảm kịch biên độ. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch tại mức giá trên chỉ chiếm 2,91% tổng giao dịch. Cổ phiếu này sau đó đã được thu mua hết ở mức giá sàn và đóng cửa giảm 2,86%.
Khoảng một năm trước, ThuDuc House đã nhận quyết định thu hồi số thuế giá trị gia tăng đã hoàn cùng tiền chậm nộp với giá trị hàng trăm tỷ đồng để khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính kỳ hoàn thuế giá trị gia tăng. Đây là một biến cố lớn trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp bất động sản này. Lãnh đạo Nhà Thủ Đức từng thừa nhận quyết định thu hồi số thuế và tiền phạt gần 400 tỷ đồng có thể tạo ra rủi ro thanh khoản, rủi ro tài chính và khủng hoảng cho doanh nghiệp.