Tài chính - Chứng khoán
Vn-Index chỉ giảm 0,11% tuần qua, nhiều cổ phiếu tăng nóng bị bán tháo
Thanh Thuỷ - 26/09/2021 11:03
Thị trường chứng khoán Việt Nam gần như đi ngang tuần qua. Khối ngoại giảm mua ròng. Điểm tích cực khác là nhóm ngân hàng đã hồi phục. Nhưng ngược lại, nhóm cổ phiếu đầu cơ đang rơi nhanh.

Hoảng loạn vì lo ngại Evergrande vỡ nợ đến rồi đi, VN-Index chỉ giảm 0,11% cả tuần  

Thị trường tài chính toàn cầu tuần qua chịu ảnh hưởng của hai sự kiện lớn: cuộc họp quyết định lãi suất tháng 9 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và ngày đến hạn đợt thanh toán 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu cho các trái chủ ở nước ngoài của Evergrande - công ty bất động sản có doanh số lớn thứ hai tại Trung Quốc.

Tâm lý hoảng loạn vì lo ngại Evergrande vỡ nợ đến đã làm chao đảo thị trường tài chính ở những phiên đầu mở cửa tuần vừa qua, từ thị trường chứng khoán Hồng Kông – nơi cổ phiếu của công ty bất động sản trên đang niêm yết đến thị trường chứng khoán Mỹ. Những tác động này cũng khiến sàn chứng khoán Việt Nam “sóng sánh” với cú rơi sâu của VN-Index về mốc 1.325 điểm nhưng đã bật lại nhanh chóng.

Chỉ số sàn HoSE tuần qua đã có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng và là chỉ số duy nhất giảm điểm (-0,11%). Trong khi đó,  chỉ số sàn HNX và UPCoM đều tăng nhẹ lần lượt 0,46% và 0,68%.

Tuy vậy, điểm chung là cả ba chỉ số chứng khoán Việt Nam đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ vào phiên giao dịch cuối của tuần. Quán tính giảm từ cuối tuần này có thể tác động lên tâm lý nhà đầu tư tuần tới. Cùng đó, sự hoảng loạn vì lo ngại Evergrande vỡ nợ đã đến rồi đi trong tuần qua, nhưng có thể trở lại bất kỳ lúc nào. Động thái tiếp theo của Evergrande, các chủ nợ hay cơ quan quản lý tại Trung Quốc đối với các khoản nợ đến hạn vẫn còn là ẩn số. Gã khổng lồ bất động sản đã không trả 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu cho các trái chủ ở nước ngoài vào thứ Năm tuần trước  (23/9) và không đưa ra lời giải thích nào cho các nhà đầu tư. Công ty vẫn có thời gian gia hạn 30 ngày và sẽ vỡ nợ nếu điều đó trôi qua mà không được thanh toán.

Cũng tại phiên giao dịch ngày thứ Sáu, thanh khoản thị trường đã rơi xuống mức thấp nhất trong tuần. Như trên sàn HoSE, giá trị giao dịch chỉ xấp xỏ 18.330 tỷ đồng. Trong khi, tại 2 phiên giảm đầu tuần, thanh khoản đều ở mức trên tỷ USD.

Tính chung cả tuần, giá trị giao dịch bình quân trên sàn đạt 21.715,20 triệu đơn vị/phiên, tăng 2,33% so với tuần trước. Thanh khoản trên HNX và UPCoM cũng đều cải thiện.

Điểm tích cực là động thái mua bán của khối ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 159 tỷ đồng trong phiên thứ Sáu. Tính chung cả tuần, khối ngoại vẫn bán ròng 790 tỷ đồng trên ba sàn. Tuy nhiên, đây đã là mức bán ra thấp nhất trong 7 tuần gần đây. Hai tuần liền trước, giá trị bán ròng của khối ngoại đều trên 3.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu được mua vào nhiều nhất tuần là MBB (509 tỷ đồng). Khối ngoại giải ngân hơn trăm tỷ vào tổng cộng 7 cổ phiếu. Ngoài MBB, còn có VNM (mua ròng 250 tỷ đồng), VCB (220 tỷ đồng), VHM (157 tỷ đồng), KDH (145 tỷ đồng), VCI (127 tỷ đồng) và HHV (112 tỷ đồng). Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 5,2 triệu cổ phiếu HHV của  CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả trong đợt bán 25 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Hạ tầng miền Bắc. Do chưa đạt tỷ lệ sở hữu trên 5% để trở thành cổ đông lớn, danh tính nhà đầu tư ngoại vẫn chưa xuất hiện chính thức.

Nhóm ngân hàng hồi phục, cổ phiếu parabol sang giai đoạn đảo chiều

Dòng cổ phiếu ngân hàng ít nhiều đã có sự hồi phục và có tác động tích cực nâng đỡ chỉ số, nhất là trong  phiên cuối của tuần. Tuy nhiên, dù là nhóm chiếm 30% vốn hoá thị trường, sự hồi phục này vẫn chưa đủ để bù lại sắc đỏ lan rộng. Trên sàn HoSE, một nửa trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực lên VN-Index tuần qua là nhóm ngân hàng gồm VCB, VIB, MBB, TCB, OCB. Hay cổ phiếu của Vinamilk cũng đã có tuần tăng tốt khi lần đầu trở lại trên ngưỡng 90.000 đồng/cổ phiếu sau hơn 3 tháng, nhờ đó góp nhiều điểm tăng nhất cho thị trường.

Tuy nhiên, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên sàn HoSE. Top 3 cổ phiếu kéo thị trường đi xuống là GVR, VHM và HPG.

Cuộc khủng hoảng nợ Evergrande làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu từ thị trường bất động sản Trung Quốc, có thể tác động đến sản lượng tiêu thụ thép. Dù có những thông tin hỗ trợ như sản lượng sản xuất thép tại Trung Quốc giảm do hạn chế vì môi trường và nhu cầu thép cho sản xuất ô tô và thiết bị…, giá thép thế giới cũng đã điều chỉnh giảm hai phiên gần đây. Ngoài HPG giảm 1,93%, tuần qua là khoảng thời gian nhiều cổ phiếu thép  diễn biến khá tiêu cực như NKG (-1,55%), HSG (-3,4%), SMC (-7%), TLH (10,49%),…

Cũng trong tuần qua, thị trường ghi nhận sự đi xuống của nhiều cổ phiếu từng tăng nóng thời gian qua, từ cổ phiếu của doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt được hỗ trợ bởi thông tin tích cực từ xu hướng giá hàng hoá đến những cổ phiếu công ty có tình hình tài chính xấu nhưng được kỳ vọng chuyển hướng nhờ tái cơ cấu hay đổi chủ.

Cổ phiếu DGC đã giảm 11,7% chỉ sau 2 ngày, từ mức đỉnh 167.600 đồng/cổ phiếu. Dù lao nhanh, cổ phiếu DGC vẫn đang cao hơn 4,3% so với một tuần trước và gấp 1,85 lần so với thời điểm cách đây 3 tháng.

Cổ phiếu liên quan đến nhóm Louis cũng quay đầu lao dốc. Cổ phiếu của Louis Capital (TGG) có hai phiên liên tiếp giảm kịch biên độ. Chứng khoán APG (Louis Capital sở hữu gần 15% vốn) giảm 13,9% so với tuần trước. Cổ phiếu BII (Louis Land), SMT (Sametel – Louis Capital sở hữu 22,48%), VKC (Cáp nhựa Vĩnh Khánh - Louis Capital là cổ đông lớn) cùng chịu cảnh bán tháo với khối lượng dư bán sàn lớn. Cổ phiếu của công ty Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) từng tăng mạnh nhờ những đồn đoán nằm trong tầm ngắm M&A của một tập đoàn lớn trong nước. Sau khi phía tập đoàn trên lên tiếng bác bỏ, cổ phiếu SJF cũng giảm kịch sàn phiên thứ Sáu sau khi tăng gấp đôi từ mức 4.000 đồng lên 8.000 đồng chỉ vỏn vẹn một tháng.

Các cổ phiếu tăng nóng với độ dốc đồ thị giá đi lên theo một góc lớn có thể là cảnh báo của một mô hình cổ phiếu parabol. Trên thế giới, những mô hình này thường xảy ra với các cổ phiếu tăng trưởng có sản phẩm mới, công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới hoặc ban lãnh đạo mới. Giai đoạn tăng nóng nhờ sự kỳ vọng đã hút dòng tiền và kéo những cổ phiếu này tăng bằng lần chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cổ phiếu có thể đảo chiều tạo thành mẫu hình đường cong parabol, nhất là khi nền tảng thực tế không theo kịp kỳ vọng.

Tin liên quan
Tin khác