Tài chính - Chứng khoán
VN-Index đánh vật với mốc 500 điểm
Chí Tín - 23/08/2013 09:16
Trong vòng 1 tháng qua, Chỉ số VN-Index đã 4 lần vượt mốc 500 điểm, song lại tụt  xuống rất nhanh. Động thái này cho thấy, VN-Index còn phải đánh vật với mốc 500 điểm lâu hơn nữa. 5 yếu tố tác động đến VN-Index

Cách đây hơn 1 tháng, vào ngày 19/7, VN-Index đã từng vượt qua mốc 500 điểm. Tuy nhiên, chỉ số của sàn TP.HCM chỉ trụ được trên mốc này vẻn vẹn 3 phiên giao dịch.

Mốc tâm lý 500 điểm là ngưỡng kháng cự khá kiên cố với VN-Index

Sau đó, VN-Index đã thêm 2 lần ngự trị trên mốc 500 điểm chỉ đúng 1 phiên giao dịch: phiên 7/8, VN-Index đạt 500,1 điểm, nhưng lại rời khỏi mốc này ngay ở phiên tiếp theo.

Tương tự, phiên 9/8, VN-Index cũng đạt 500,62 điểm và lại tụt dưới ngưỡng 500 điểm ngay sau đó. Ngày 21/8 vừa qua, VN-Index đã về mức 502,7 điểm, giảm 2,11 điểm so với phiên trước).

Biến động phập phù trên cho thấy, mốc tâm lý 500 điểm đang là ngưỡng cản khá “kiên cố” đối với VN-Index.

Diễn biến thị trường cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là chủ thể chi phối thị trường chứng khoán. Mỗi khi khối ngoại xả hàng thì đều tác động mạnh lên tâm lý nhà đầu tư trong nước, khiến thị trường không thể tích tụ đủ năng lượng để tăng điểm.

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, sau khi bán ròng liên tục trong 2 tháng 6 và 7, tháng 8 vẫn là lúc khối ngoại xả hàng mạnh.

Trong tháng 6/2013, khối nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra hơn 205 triệu chứng khoán, nhưng chỉ mua vào hơn 114 triệu chứng khoán. Tháng 7, khối ngoại bán hơn 84 triệu chứng khoán và chỉ mua vào hơn 67 triệu chứng khoán.

Động thái bán ròng của khối ngoại chưa dừng lại, khi trong tháng 8 (tính đến hết phiên 20/8), họ vẫn bán ra hơn 40 triệu chứng khoán, trong khi chỉ mua vào hơn 32 triệu chứng khoán.

Ông Hang Jin Yun, chuyên gia phân tích cao cấp thuộc Tập đoàn Tài chính KIS (Hàn Quốc) nhận xét, thời gian gần đây, việc các nhà đầu tư ngoại rút vốn ở thị trường chứng khoán là tình trạng chung tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Gần đây, giới tài chính quốc tế đang quan tâm đến kế hoạch “Thu hẹp gói QE” của Chính phủ Mỹ (QE là gói nới lỏng định lượng thông qua việc bơm tiền để mua trái phiếu, cổ phiếu, các công cụ tài chính...). “Trước khi Mỹ thực hiện kế hoạch “Thu hẹp gói QE”, thì dòng vốn quốc tế đã có phản ứng trước, hình thành xu hướng thoái vốn tại các thị trường mới nổi, kéo theo xu thế bộ ba (tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu) cùng suy giảm”, ông Hang Jin Yun bình luận.

Trong khi thị trường vẫn chịu áp lực lớn từ động thái thoái vốn của khối ngoại, thì các thông tin cơ bản khá tích cực từ phía các cổ phiếu “blue - chips” của một số doanh nghiệp niêm yết lớn lại là yếu tố giúp nâng đỡ phần nào tâm lý thị trường.

Mới đây, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) đã công bố chiến lược kinh doanh giai đoạn 2013-2015 và kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai cho biết, từ nay đến năm 2015, Tập đoàn sẽ tập trung vào hai mảng chính là nông nghiệp (cao su, mía đường, dầu cọ) và bất động sản.

Với các dự án bất động sản tại Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tách các công ty con sở hữu các dự án căn hộ ra khỏi Tập đoàn. Với những lĩnh vực còn lại, như thuỷ điện, khoáng sản, gỗ đá..., Hoàng Anh Gia Lai sẽ được bán bớt hoặc thu hẹp dần đầu tư.

Trong khi đó, Tập đoàn Masan (mã MSN) cũng tiết lộ chiến lược, kế hoạch cấu trúc tài chính nhằm tăng hiệu quả hoạt động. Đại gia ngành công nghệ cao đang niêm yết là Tập đoàn FPT cũng vừa tiết lộ kết quả kinh doanh khá tích cực trong 7 tháng đầu năm nay. Doanh thu 7 tháng qua của FPT đạt 14.712 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 1.180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 882 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 6% so với cùng kỳ.

Việc CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (mã PVD) đã hoàn tất đợt phát hành 38 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và 3 nhà đầu tư nước ngoài cũng là thông tin tích cực nâng đỡ thị trường thời gian qua.

Tin liên quan
Tin khác