Cổ phiếu Hoà Phát hồi phục giúp VN-Index giữ vững sắc xanh khi kết phiên. |
Giằng co
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch 26/5. Trong khi một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan đi xuống, chỉ số sàn chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến hay một số quốc gia Đông Nam Á nhích nhẹ. Các chỉ số đều biến động dướ +/-1%.
Biên bản cuộc họp quyết định lãi suất của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa được công bố đêm qua. Các thành viên nhận thức được nguy cơ giá cả tăng cao, làm ảnh hưởng đến thu nhập, do đó cần “khẩn trương” tăng lãi suất và giảm lượng trái phiếu “khổng lồ” để kìm lạm phát mà đang ở mức quá cao.
Biên bản cũng đã xác nhận những cam kết của Fed về việc thực hiện một loạt biện pháp nhằm dỡ bỏ các công cụ kích thích nền kinh tế, tuy nhiên mức độ sâu rộng đến đâu sẽ phụ thuộc vào triển vọng kinh tế như thế nào. Chứng khoán Mỹ không ghi nhận phản ứng tiêu cực. DowJones tăng 0,6% trong phiên giao dịch vừa qua.
Chứng khoán Việt Nam đóng cửa cũng biến động nhẹ. VN-Index tăng 0,14 điểm (0,01%) lên 1.268,57 điểm. HNX-Index giảm 1,62 điểm (-0,51%) xuống 313,29 điểm. -Index tăng 0,17 điểm (0,18%) lên 94,95 điểm. Sắc xanh chiếm phần lớn trong khoảng thời gian giao dịch của VN-Index. Tuy nhiên, chỉ số đã dao động khá mạnh trong nửa cuối phiên chiều, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn.
VN-Index vẫn kịp đóng cửa trong sắc xanh. Trong khi đó, VN30-Index đóng cửa ở mức 1.309,5, giảm 1,2 điểm so với phiên hôm qua. VNMID Index và VNSML Index lần lượt tăng 0,16% và 0,72%.
Tuy nhiên, loạt cổ phiếu liên quan đến FLC lại trong diện bị bán tháo và giảm kịch biên độ trong phiên hôm nay. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa quyết định về việc chuyển 3 cổ phiếu gồm FLC, ROS và HAI từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên chiều) kể từ ngày 01/06/2022. Ngoài 3 cổ phiếu trên, KLF, AMD cũng giảm sàn. Cổ phiếu ART của Chứng khoán BOS cũng giảm 6,6%.
So với phiên giao dịch tăng mạnh và khá đồng thuận hôm qua, diễn biến giao dịch cổ phiếu các nhóm ngành có sự phân hoá khá rõ. Cổ phiếu thép hồi phục khá tốt với mức tăng phổ biến 1-2% sau các phiên chịu áp lực bán mạnh.
Dòng cổ phiếu chứng khoán tiếp đà tăng với sắc xanh chiếm đa số, một số cổ phiếu tăng kịch biên độ như ORS, VDS, VIG. Riêng EVS tiếp tục giảm 4,47% sau phiên giảm 7,4% hôm qua.
Trong khi đó, sắc đỏ lại áp đảo hơn ở nhóm ngân hàng. Trừ ACB vẫn tăng khá tốt (+1,17%) và một số cổ phiếu như TCB, BID, SSB, NVB, cổ phiếu nhà băng khác đều giảm giá.
Cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index phiên nay không phải dại diện từ nhóm ngân hàng, mà là VHM. Cổ phiếu ông lớn bất động sản Vinhomes tăng 1,18%. HPG hồi phục và cổ phiếu góp nhiều điểm tăng thứ hai cho chỉ số chung. Ở chiều ngược lại, MSN, VPB, NVL, GAS, MBB lại là những cổ phiếu ghìm chân thị trường.
Trên sàn HNX, cổ phiếu của Vicostone tăng 3,22% và góp nhiều điểm tăng nhất cho chỉ số chung. Doanh nghiệp sản xuất cũng vừa mới công bố kế hoạch tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ cao (30%). Nhóm tác động tích cực đến HNX-Index còn có một số cổ phiếu nhóm doanh nghiệp sản xuất khác như NTP, LAS…
Thanh khoản lại về mức thấp, khối ngoại ròng rã bán HPG
HPG hồi phục khá tích cực khi kết phiên vẫn tăng 1,6%. Tuy nhiên, giá trị giao dịch cổ phiếu này chỉ tương đương hơn 40% phiên hôm qua với 16,2 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, tương đương 596 tỷ đồng giao dịch.
Thanh khoản toàn thị trường cũng giảm 17,9% so với phiên liền trước, trở về mức phổ biến khoảng thời gian gần đây với giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 16.691 tỷ đồng.
Các cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất là SSI (861 tỷ đồng), HPG (569 tỷ đồng), STB (343 tỷ đồng), DIG (313 tỷ đồng), GEX (280 tỷ đồng).
Khối ngoại quay lại bán ròng. Tự doanh cũng bán ròng. Các cá nhân trong nước là bên mua chính hôm nay. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá mạnh trên ba sàn (340 tỷ đồng), tập trung chính ở HPG (103 tỷ đồng), VIC (65,5 tỷ đồng), DXG (57,5 tỷ đồng). Đối với cổ phiếu của Hoà Phát, đây đã là phiên thứ 6 liên tiếp khối ngoại bán ròng HPG.