Tài chính - Chứng khoán
VN-Index tăng gần 23 điểm, khối ngoại mạnh tay gom HPG
Thanh Thuỷ - 16/06/2022 17:02
Chứng khoán hồi phục mạnh mẽ trong ngày 16/6. Tại phiên đáo hạn phái sinh, giá thanh toán lần đầu được áp dụng cách tính mới.

VN 30 dẫn đà tăng, nhóm cổ phiếu điện, bán lẻ toả sáng

Sau nhiều chờ đợi, tại cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell đã thông báo quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994.

Cùng đó, ông cũng phát biểu rằng, cơ quan này kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái trong bối cảnh lãi suất tăng cao. 

Thị trường chứng khoán Mỹ sau nhiều ngày rơi sâu đã quay đầu tăng. DowJones tăng 1%, S&P 500 tăng 1,46%. Trong khi đó, giao dịch trên thị trường chứng khoán châu Á có sự phân hoá đáng kể. Dù sắc đỏ vẫn bao phủ nhiều thị trường như tại sàn chứng khoán Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Thái Lan, một số chỉ số cũng đã phục hồi.

VN-Index - đại diện sàn chứng khoán Việt Nam nằm trong số thị trường bật tăng mạnh nhất.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6, VN-Index tăng 22,7 điểm (1,87%) lên 1.236,63 điểm. HNX-Index tăng 4,52 điểm (1,6%) lên 287,77 điểm. UPCoM-Index tăng 0,6 điểm (0,68%) lên 89,25 điểm.

Số lượng mã tăng cũng khá áp đảo. Trên ba sàn có 471 mã tăng, 31 mã tăng trần; trong khi chỉ có 315 mã giảm, 32 mã giảm kịch biên độ.

Nhóm VN 30 trở lại nâng đỡ thị trường. VN 30-Index tăng hơn 27 điểm (+2,18%), cao hơn nhiều mức tăng của VN-Index.

Hôm nay cũng là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Kỳ đáo hạn tháng 6 này cũng là lần đầu tiên giá thanh toán tính theo phương thức mới (giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch cuối cùng sau khi loại trừ 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục).

VN30F2206 đóng cửa ở mức 1.286 điểm, nhỉnh hơn 6 điểm so với chỉ số cơ sở tại thời điểm kết thúc phiên hôm nay.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hồi phục yếu hơn. VNMid-Index và VNSML-Index lần lượt tăng 1,23% và 0,11%.

Cùng với sự hồi phục của nhóm vốn hoá lớn, nhiều dòng cổ phiếu cũng ghi nhận sự bứt phá trong phiên.

Cổ phiếu điện đứng khá vững trong các phiên giảm gần đây tiếp tục ghi nhận giao dịch tích cực. REE và POW đều có thời điểm chạm trần và đều tăng trên 6% tại thời điểm kết phiên.

Cổ phiếu Điện Gia Lai (GEG), PCC1 (PC1), Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) hay Hà Đô (HDG) - đơn vị cũng sở hữu một số dự án năng lượng tái tạo bên cạnh mảng bất động sản tăng kịch biên độ tại thời điểm cuối phiên. Một số cổ phiếu khác như PGV của EVNGENCO3, NT2 (Nhơn Trạch 2), QTP, CHP, HND đều tăng khá.

Nhóm bán lẻ cũng bứt phá. FRT, MWG, PET tăng kịch biên độ.

Dòng hoá chất, phân bón và dầu khí giao dịch tích cực. PSH – một trong 5 doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu đang giao dịch cổ phiếu trên sàn tăng kịch biên độ. DGC có thời điểm chạm trần, cũng tang 6,9% tại thời điểm kết thúc phiên. Ông lớn PVGas và PVS lần lượt  tăng 3,23% và 3%, nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường.

Sắc xanh cũng trở lại với nhóm ngân hàng bảo hiểm. Trong khi đó, cổ phiếu chứng khoán giao dịch tiêu cực với khá nhiều ông lớn giảm 5-6% như VND, BSI, CTS, VIX.

Các cổ phiếu góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index phiên hôm nay là VCB, GAS, VNM. Ở chiều ngược lại, VND, DIG, DXG, SSI, VGC là top 5 cổ phiếu kéo chỉ số chung đi xuống.

Còn trên HNX, sự hồi phục của THD với mức tăng kịch biên độ 10% góp hơn 1,5 điểm tăng cho chỉ số chung. HUT, IDC, VIF, PVS cũng nằm trong nhóm nâng đỡ HNX-Index tăng điểm.

Thanh khoản vẫn dè dặt, khối ngoại chi trăm tỷ đồng mua ròng HPG

Trong phiên tăng điểm hôm nay, lực mua bán trên thị trường vẫn khá dè dặt. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 17.541 tỷ đồng, trong đó giao dịch riêng trên sàn HoSE là 14.749 tỷ đồng.

Giao dịch cổ phiếu HPG trở lại mốc nghìn tỷ. Cổ phiếu của ông lớn ngành thép hút mạnh dòng tiền sau khi rơi xuống dưới mức 30.000 đồng/cổ phiếu – thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Bên mua HPG hôm nay có khối ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài đã chi tới 251 tỷ đồng mua ròng cổ phiếu Hoà Phát.

Một số cổ phiếu khác cũng được nhóm này mua gom mạnh như STB (62 tỷ đồng), SSI (56 tỷ đồng), GAS (51 tỷ đồng).

.

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu tăng tốt trong phiên là DGC và MWG lại đứng đầu trong danh sách bán ròng với giá trị lần lượt là 48 tỷ đồng và 46 tỷ đồng. Hai cổ phiếu điện gồm GEG và NT2 cũng bị khối ngoại chốt lời.

Tuy vậy, lực mua vẫn lớn hơn. Bất chấp áp lực tăng lãi suất điều hành của nhiều ngân hàng trung ương, số lượng các phiên mua ròng của khối ngoại áp đảo từ đầu tháng 4 trở lại đây. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng gần 763 tỷ đồng trên ba sàn, mức mua ròng cao nhất kể từ phiên 30/5. 

Tin liên quan
Tin khác