Giới đầu tư toàn cầu chờ đợi kết quả cuộc họp báo công bố quyết định điều hành lãi suất định kỳ của FOMC (Fed) |
VN-Index dứt chuỗi giảm ba phiên, nhưng thanh khoản dè dặt
VN-Index đóng cửa phiên ngày 14/6 tăng 3,27 điểm (+0,27%) lên mức 1.230,31 điểm, chính thức thoát khỏi chuỗi giảm liên tiếp 3 phiên trước đó.
Mức tăng trên dù khá khiêm tốn, nhưng vẫn là nỗ lực đáng ghi nhận trong một phiên giao dịch giằng co. Cả ba chỉ số đều giữ được sắc xanh thời điểm kết phiên. VN-Index tăng 3,27 điểm (0,27%) lên 1.230,31 điểm. HNX-Index tăng 1,71 điểm (0,59%) lên 290,08 điểm. UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (0,1%) lên 90,62 điểm.
Số mã tăng/giảm có phần ngang ngửa. Toàn sàn có 485 mã giảm, 40 mã giảm sàn; trong khi có 300 mã tăng và 28 mã tăng trần. Các nhóm dẫn dắt nhịp hồi phục bao gồm dầu khí, điện, nước, công nghệ thông tin. Cổ phiếu ngành hóa chất phân bón và bảo hiểm cũng giao dịch tích cực.
Cổ phiếu của PVGas là trụ cột đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index. Trên sàn HNX, PVS cũng góp tới 1 điểm tăng. GAS và PVS lần lượt tăng 6,78% và 9,93%. Yếu tố tích cực từ việc giá dầu thế giới neo cao tiếp tục là yếu tố hỗ trợ nhóm các cổ phiếu dầu khí.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán và tôn - thép chịu áp lực bán mạnh. HSG giảm kịch biên độ, NKG cũng giảm 5,7%, ông lớn thép HPG giảm 4,7% xuống còn 30.300 đồng/cổ phiếu – mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Dù dứt được chuỗi ba phiên giảm, VN-Index mới chỉ đang đi lên trong trạng thái thăm dò và còn nhiều nghi ngờ. Thanh khoản thị trường sụt giảm sâu. Giá trị giao dịch trên ba sàn chỉ đạt 17.232 tỷ đồng, giảm 24,4% so với phiên liền trước. Trong đó, giao dịch sàn HoSE xuống dưới 15.000 tỷ đồng. Thanh khoản có nhích lên khi thị trường giảm sâu. Cầu giá thấp dù có được kích hoạt nhưng chưa thực sự mạnh.
Khối ngoại và tự doanh là bên mua ròng, trong khi cá nhân trong nước bán ròng khá mạnh. Riêng trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 312 tỷ đồng, tổ chức trong nước mua ròng 286 tỷ đồng, khối tự doanh mua ròng 61,6 tỷ đồng. Trong khi đó, cá nhân trong nước bán ròng 659 tỷ đồng. Một số cổ phiếu hồi phục và tăng khá tốt trong phiên như DPM, DCM, GAS lại trong nhóm cổ phiếu các nhà đầu tư cá nhân bán ra nhiều nhất.
Khối ngoại trở lại mua ròng là một diễn biến khá tích cực của thị trường. Đứng đầu danh sách mua ròng trên ba sàn đều là cổ phiếu dầu khí, gồm GAS (55 tỷ đồng), PVS (30 tỷ đồng) và BSR (52 tỷ đồng).
Nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua vào cổ phiếu của Lọc hoá dầu BÌnh Sơn. Dù cổ phiếu này mới đang giao dịch trên sàn UPCoM, lợi thế từ việc là một trong hai doanh nghiệp sản xuất xăng dầu của cả nước và cũng là doanh nghiệp lọc hoá dầu duy nhất đang giao dịch trên sàn vẫn kéo dòng vốn ngoại vào cổ phiếu này. Thanh khoản cổ phiếu này hiện đang quanh 23 triệu đơn vị/ngày với ột số phiên ghi nhận giá trị giao dịch vượt nghìn tỷ đồng.
Chờ đợi quyết định tăng lãi suất của Fed
Không riêng thị trường Việt Nam, chứng khoán toàn cầu phần nhiều chìm trong sắc đỏ sau khi số liệu lạm phát của Mỹ được công bố ở mức 8,6%, vượt xa dự báo trước đó và ghi nhận mức cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm.
Hàng loạt chỉ số đã rơi sâu, đặc biệt trong phiên đầu tuần. Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tiêu cực. Trong phiên giao dịch 14/6, S&P 500 giảm phiên thứ 5 liên tiếp và đã giảm hơn 20% từ đỉnh gần đây – một tín hiệu cho thấy thị trường đi vào xu hướng giá xuống.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch 14/6 trong bối cảnh nhà đầu tư dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất mạnh hơn dự báo khiến S&P 500 đi vào thị trường giá xuống. Ở chiều ngược lại, Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục đi lên sau khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cán mốc kỷ lục 11 năm phản ánh đà bán tháo trên thị trường này.
Thị trường đang nghiêng nhiều hơn về khả năng Fed tăng lãi suất them 0,75 điểm phần trăm trong kỳ họp tuần này. Xác suất Fed sẽ nâng lãi suất 0,75% trong kỳ họp sắp tới đã tăng lên trên 90%, theo công cụ FedWatch của CME Group. Buổi họp báo sẽ được diễn ra vào rạng sáng thứ Năm theo giờ Việt Nam.