Tiếp nối những diễn biến giao dịch tích cực từ tuần trước đó, thị trường khởi đầu phiên 8/1 với việc tiếp tục duy trì sắc xanh. Tuy nhiên, khác với một vài phiên trước, dòng tiền có phần yếu ở nhóm ngân hàng, thay vào đó tập trung ở một số nhóm ngành như bất động sản, đầu tư công hay chứng khoán.
Tuy nhiên, áp lực bán có phần gia tăng vào cuối giờ sáng khiến đà tăng của các chỉ số bị thu hẹp lại đáng kể. Chiều nay, là phiên lượng hàng khổng lồ hôm 4/1 về tài khoản nhà đầu tư nên việc áp lực bán dâng cao ở cuối phiên sáng cũng là điều dễ hiểu.
Sang đến phiên chiều, ngay sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán tiếp tục được đẩy lên mức cao. VN30-Index có thời điểm lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Dù vậy, lực cầu vẫn tỏ ra tương đối tốt nên vẫn duy trì được sắc xanh của thị trường chung vào cuối phiên.
Nhóm VN30 phiên hôm nay có sự phân hóa mạnh, trong đó, BID tăng đến 4,3% sau thông tin ngân hàng này báo lãi trước thuế hơn 27.400 tỷ đồng trong năm 2023. BID cũng là nhân tố quan trọng nhất giúp VN-Index giữ được sắc xanh khi đóng góp cho chỉ số này 2,67 điểm. Tiếp sau đó, VCB tăng 0,7% và đóng góp 0,83 điểm. TCB và CTG tăng lần lượt 2,7% và 1,9%, số điểm mà hai mã này đóng góp là 0,78 và 0,73.
Ngoài nhóm ngân hàng, các cổ phiếu khác tăng giá tốt trong VN30 còn có VRE, POW, VHM, VIC…
Ở chiều ngược lại, MSN giảm mạnh 1,9% và lấy đi của VN-Index 0,46 điểm. VNM giảm 0,9% và số điểm lấy đi là 0,31.
4 cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt đà tăng của VN-Index. |
Dòng tiền tập trung khá mạnh vào nhóm bất động sản trong đó tâm điểm phải kể đến là CII. Cổ phiếu này được kéo lên mức giá trần và kết phiên còn dư mua trần hơn 6 triệu đơn vị, khối lượng khớp lệnh tăng đột biến lên 26,2 triệu đơn vị. Tương tự, NBB cũng tăng trần và khớp lệnh đột biến hơn 800.000 đơn vị Diễn biến này xuất hiện sau khi ông Huỳnh Văn Thanh - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho biết UBND thành phố đã phê duyệt kế hoạch đấu giá các lô đất trong khu vực Thủ Thiêm, còn khu vực ngoài sẽ được hoàn chỉnh lại và thực hiện theo đề án.
Các cổ phiếu bất động sản khác như PDR, DXG, CEO, DIG… cũng đồng loạt tăng giá tốt giúp giao dịch trên thị trường trở nên sôi động.
Nhóm được cho hưởng lợi từ đầu tư công, đặc biệt là một số cổ phiếu doanh nghiệp vật liệu xây dựng, cũng có một phiên giao dịch tích cực dù đà tăng không duy trì quá mạnh như ở đầu phiên. BCC tăng 4,2%, KSB tăng 2,1%, FCN tăng 1,7%...
Ở nhóm chứng khoán, sau khoảng thời gian tăng tốt đầu phiên thì lực bán có phần dâng cao khiến nhiều cổ phiếu không còn duy trì được sự khởi sắc. SSI và VND đều kết phiên trong sắc đỏ. HCM đứng ở mức giá tham chiếu.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,51 điểm (0,48%) lên 1.160,19 điểm. Toàn sàn có 273 mã tăng, 234 mã giảm và 79 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,57 điểm (0,24%) lên 233,33 điểm. Toàn sàn có 97 mã tăng, 72 mã giảm và 70 mã đứng giá. Trong khi đó, UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,16%) xuống 87,79 điểm do áp lực mạnh từ các mã như VNZ, BSR, TBD…
Giao dịch diễn ra sôi động với việc thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể so với phiên trước đó. Tổng khối lượng giao dịch riêng sàn HoSE đạt 905 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 16.200 tỷ đồng, tăng 17,8%, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm gần 2.100 tỷ đồng. Ở sàn HNX, tổng khối lượng giao dịch đạt 85,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.714 tỷ đồng. SHB là cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 38,3 triệu cổ phiếu. Tiếp sau đó, HPG và SSI khớp lệnh lần lượt 31,2 triệu cổ phiếu và 20,7 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tiếp. |
Khối ngoại có phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp trên sàn HoSE với giá trị 250 tỷ đồng, trong đó phần lớn dòng vốn này bán ròng chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND với 182 tỷ đồng. MSN và KBC bị bán ròng lần lượt 59 tỷ đồng và 52 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VCB được mua ròng mạnh nhất với 64 tỷ đồng. OCB và NLG được mua ròng lần lượt 44 tỷ đồng và 42 tỷ đồng.