Cổ phiếu của Vietnam Airlines tăng 75% từ đáy lịch sử
Cổ phiếu HVN của hãng hàng không Vietnam Airlines giao dịch tích cực sau thông tin Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua khó khăn do dịch Covid -19 được công bố vào cuối giờ sáng ngày 8/1.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay có tài sản bảo đảm của Tổng công ty để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh số tiền tái cấp vốn: tối đa không quá 4.000 tỷ đồng; lãi suất tái cấp vốn 0% trong thời hạn tái cấp vốn tối đa không quá 364 ngày. Khoản tái cấp vốn được tự động gia hạn hai lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn.
Giá cổ phiếu tăng kịch trần trong phiên hôm nay lên 31.200 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức cao nhất của HVN kể từ cổ phiếu này chạm đáy lịch sử hồi tháng 3/2020. Tăng trưởng giá cổ phiếu đạt 75%.
Kể từ khi áp lực bán tháo hồi tháng 3/2020 kéo hàng loạt cổ phiếu cùng các chỉ số chứng khoán rơi sâu, thị trường đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ.
Tại phiên giao dịch đầu tuần này, HNX-Index có thời điểm đã đạt 221,34 điểm, tiếp tục xô đổ các kỷ lục vừa lập. Chỉ số này cuối phiên đóng cửa ở mức 219 điểm, tăng 0,79% so với hôm qua. Trong khi đó, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.184,8 điểm, đang trên đà tiến sát với đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 4/2018 (1.204,33 điểm).
Dòng tiền vẫn đang ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán. Tổng giá trị giao dịch xấp xỉ 21.800 tỷ đồng, dù sàn HoSE tiếp tục “quá tải” và giao dịch nhỏ giọt từ thời điểm 13:45 giờ chiều.
Thoái lui cổ phiếu tài chính, nhóm bất động sản và sản xuất hút dòng tiền
Chỉ số VN-Index tăng tới 17,2 điểm và đã có tới 7 phiên giao dịch liên tiếp duy trì sắc xanh. Điểm khác so với các phiên trước là nhóm cổ phiếu tài chính không còn đóng vai trò trụ kéo. Ngược lại, 7/10 cổ phiếu dìm chỉ số VN-Index giảm lại là nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán. Dẫn đầu danh sách này gồm cổ phiếu của Techcombank, Vietcombank, BIDV, VIB…
Tuy nhiên, sự hồi phục mạnh của HVN cùng xu hướng tăng của nhóm bất động sản như bộ ba cổ phiếu nhà Vin (VHM, VIC, VRE) hay Becamex (BCM) giúp xu hướng tăng lấn át hoàn toàn. Trong đó, VHM, BCM đều tăng kịch biên độ.
Một số cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất cũng tăng khá như nhóm các công ty săm lốp đều tăng trên 3%, cá biệt cổ phiếu DRC của Cao su Đà Nẵng tăng kịch trần.
Tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư cùng dòng tiền mạnh chưa có tiền lệ theo Chứng khoán MBS yếu tố thuận lợi để VNN-Index chinh phục đỉnh cao lịch sử. Sự tham gia của khối ngoại cũng đang mạnh hơn khi giá trị giao dịch ở hai chiều mua và bán tăng nhanh.
Tuy nhiên, phiên giao dịch hôm nay tiếp tục là một phiên bán ròng. Khối ngoại đã bán ra tổng cộng 1.870 tỷ đồng trên sàn HoSE trong khi chỉ mua vào 1.619 tỷ đồng. Cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là LPB (LienVietPostBank), HPG (Hòa Phát), VND (VNDirect). Trong khi đó, cổ phiếu KBC của Kinh Bắc - một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và VRE (bất động sản bán lẻ) được mua ròng lần lượt 182 tỷ đồng và 98 tỷ đồng.