- Quỹ đầu tư Thái Lan huy động hàng ngàn tỷ đồng vào chứng khoán Việt Nam
- Bùng nổ giao dịch cổ phiếu Hoà Phát, VN-Index băng băng vượt mốc 1.500 điểm
- Sẽ triển khai các gói đầu tư công trong quý II
- Giá xăng dầu tăng cao tạo áp lực lớn lên lạm phát
- Bộ Công thương đề nghị tính toán lại nhiều loại thuế, phí với xăng dầu
Áp lực bán gia tăng cuối phiên chiều, VN-Index vẫn giữ vững mốc 1.500 điểm
Sau phiên tăng mạnh hôm qua, giao dịch trở nên giằng co hơn trên cả ba sàn. Một số nhóm cổ phiếu tăng mạnh như thép, dầu khí… đã điều chỉnh trước áp lực chốt lời. VN-Index có thời điểm tăng hơn 4 điểm nhưng kết thúc phiên giao dịch chỉ còn tăng 0,33 điểm (+0,02%) lên 1.505,33 điểm. HNX-Index tăng 1,28 điểm (0,28%) lên 450,59 điểm. UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (0,09%) lên 113,29 điểm.
Toàn sàn có 597 mã tăng, 77 mã tăng trần nhưng cũng có đến 366 mã giảm cùng 12 mã giảm sàn. Số lượng mã tăng giá không áp đảo như phiên hôm qua nhưng cũng chiếm ưu thế lớn.
Dòng chứng khoán từng có thời điểm tăng rất mạnh trong phiên. Dù đã hạ nhiệt, vẫn có nhiều cổ phiếu chứng khoán tăng trên 3% khi kết phiên. Cùng duy trì được đà tăng ở phiên sáng, áp lực chốt lời khiến nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là nhóm thép và dầu khí quay đầu. HPG dù có lúc vọt lên 51.300 đồng vẫn giảm 0,6% ở thời điểm đóng cửa, còn 49.800 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức thấp nhất trong phiên của cổ phiếu Hoà Phát. Hàng loạt cổ phiếu dầu khí đều giảm 2-5% sau phiên tích cực liền trước.
Cổ phiếu PVS giảm 2,3%, đồng thời, đóng góp nhiều điểm giảm nhất đến HNX-Index. Trên sàn HoSE, các cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index cũng có nhóm dầu khí. Trong đó, riêng GAS đã góp 1,27 điểm giảm. PLX, GVR, HPG – các cổ phiếu tác động tích cực lên chỉ số phiên qua nay lại trở thành “tội đồ” ghìm chân chỉ số. Ở chiều ngược lại, nhóm tác động tích cực đến VN-Index có sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu nhà băng, gồm VPB, BID, ACB và TCB.
Đột biến cổ phiếu VPBank
Tính chung toàn thị trường, giá trị giao dịch giảm nhẹ so với phiên hôm qua 35.625 tỷ đồng, giảm 1,6% so với phiên 3/3. Khối ngoại mua ròng gần 523 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là VPB (891 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, HPG bị nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 250 tỷ đồng. Đây cũng là hai cổ phiếu dẫn đầu về thanh khoản trên thị trường với giá trị giao dịch lần lượt là 1.804 tỷ đồng và 1.680 tỷ đồng.
Ngay từ đầu phiên, cổ phiếu VPB đã gây bất ngờ với khối lượng lớn đặt lệnh mua giá trần. Bên cạnh hơn 200 tỷ đồng mua khớp lệnh trên sàn, khối ngoại đã chi 677 tỷ đồng mua thoả thuận 17,56 triệu đơn vị cổ phiếu VPB, tương đương giá bình quân gần 38.570 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu VPB phiên nay từng có thời điểm vọt lên 38.950 đồng. Dù quay đầu giảm khá nửa cuối phiên chiều và đóng cửa chỉ còn tăng 1,6%, VPB đang tiến khá sát về mức đỉnh cũ.
Trước đó, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 10/2, ông Nguyễn Đức Vinh, CEO VPBank cho biết việc chào bán cho nhà đầu tư chiến lược sẽ sớm thực hiện trong những tháng tới. VPBank cũng hoàn tất lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh room ngoại tại VPBank từ 15% lên 17,5%/vốn điều lệ (là tỷ lệ đủ để VPBank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15%/vốn điều lệ sau khi phát hành).