Phiên trở lại của điểm số và dòng tiền, VN-Index vượt 1.500 điểm
Sắc xanh lan toả trong phiên giao dịch ngày 3/3, VN-Index kết phiên tăng 19,48 điểm (1,31%) lên 1.505 điểm. HNX-Index tăng 7,06 điểm (1,6%) lên 449,31 điểm. UPCoM-Index tăng 1,39 điểm (1,24%) lên 113,19 điểm. Số mã cổ phiếu tăng giá áp đảo. Trái ngược với xu thế áp đảo của sắc đỏ phiên hôm qua, trên ba sàn, có 619 mã tăng giá, 78 mã tăng trần và chỉ có hơn 260 mã giảm.
Đây cũng là phiên tăng điểm mạnh nhất của VN-Index kể từ giữa tháng 2/2022, cùng đó, thanh khoản thị trường vẫn giữ được ở mức cao. Sự bùng nổ trong phiên chiều đẩy giá trị giao dịch tăng vọt với hơn 36.200 tỷ đồng tham gia vào thị trường. Trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 34.509 tỷ đồng, tăng 0,85% so với phiên trước. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng trở lại mua ròng 586 tỷ đồng.
Phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội đêm 2/3 (giờ Việt Nam), ông Jerome Powell, cho hay, Fed đã sẵn sàng nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng này nhằm hạ nhiệt lạm phát với mức tăng lãi suất đề xuất ở mức 0,25% trong phiên họp tháng 3 tới. Fed cũng đã sẵn sàng tăng lãi suất mạnh hơn, tần suất thường xuyên hơn nếu lạm phát không giảm. Thông tin về quyết định tăng lãi suất của Fed được giới đầu tư đặc biệt chú ý nhất là khi một số dự báo trước đây cho rằng, Fed sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm có thời điểm tác động tiêu cực đến thị trường tài chính.
Không riêng thị trường Việt Nam, đa phần các sàn chứng khoán Đông Nam Á hay các chỉ số chứng khoán châu Á lớn như Nikkei 225, KOSPI… đều đóng cửa trong sắc xanh. Riêng chỉ số chứng khoán tại Trung Quốc giao dịch khá tiêu cực khi số liệu PMI vừa công bố đạt mức thấp nhất trong 6 tháng, đạt 50,2 vào tháng 2 từ mức 51,4 của tháng trước, một phần do các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 nghiêm ngặt.
Đến lượt cổ phiếu thép tạo địa chấn, HPG bùng nổ
Diễn biến của thị trường hàng hoá cũng tác động lan toả đến thị trường chứng khoán phiên nay. Giá dầu thế giới ghi nhận phiên tăng mạnh hơn 5%. Trong đó, hợp đồng tương lai dầu thô Brent đã có thời điểm chạm mức 119,7 USD / thùng, cao nhất kể từ tháng 5/2012 và dầu WTI tương lai đạt 116 USD / thùng, mức chưa từng thấy kể từ tháng 9/2008. Các nhà giao dịch tiếp tục theo dõi cuộc chiến ở Ukraine và tác động của nó đối với sự gián đoạn cung cấp dầu và vận chuyển do các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Không riêng mặt hàng này, giá nhiều loại hàng hoá đồng loạt tăng mạnh như thép, than. Giá than giao dịch trên thị trường hàng hoá tăng sốc cũng kéo loạt cổ phiếu doanh nghiệp than của Việt Nam tăng trần. Giá thép thanh giao hôm nay đã có thời điểm tiến sát mức 5.000 CNY/tấn trong tuần đầu tiên của tháng 3, trong khi hồi cuối tháng 11/2021, giao dịch dưới 4.200 CNY/tấn. Sự gián đoạn đối với xuất khẩu thép từ Nga và Ukraine khuyến khích người mua tìm kiếm các lựa chọn thay thế, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Cổ phiếu ngành thép thu hút mạnh dòng tiền nhiều phiên gần đây. Trong phiên 3/3, thanh khoản cổ phiếu HPG, HSG và NKG tiếp tục ở mức cao, đặc biệt đột biến ở cổ phiếu HPG. Số liệu mới đây do doanh nghiệp này công bố cho biết sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát tháng 2/2022 đạt 450.000 tấn, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ 2021 và tăng 17% so với tháng 1/2022. Trong đó, lượng thép xây dựng xuất khẩu đạt 60.000 tấn, gấp gần 2 lần cùng kỳ. Lãnh đạo doanh nghiệp này còn cho biết hép xây dựng Hòa Phát đã nhận đơn hàng xuất khẩu đến tháng 5/2022 với 720.000 tấn.
Thanh khoản riêng cổ phiếu Hoà Phát đạt 3.724 tỷ đồng, tương đương hơn 10% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Khối lượng cổ phiếu khớp lệnh trong phiên đạt hơn 76 triệu cổ phiếu, vượt qua mức kỷ lục 75,5 triệu đơn vị chuyển nhượng thiết lập tại phiên giao dịch hồi đầu tháng 7/2021. Không chỉ giao dịch bùng nổ về khối lượng, HPG tăng kịch biên độ lên 50.100 đồng/cổ phiếu ở thời điểm kết phiên. Đây cũng là đầu tàu đưa VN-Index tăng điểm mạnh mẽ trong phiên khi góp nhiều điểm tăng nhất (3,66 điểm).
Đà tăng của giá hàng hoá cũng kéo dòng tiền tìm đến cổ phiếu của các ông lớn doanh nghiệp sản xuất. GVR và GAS cũng nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến VN-Index.
Nhóm cổ phiếu vận tải biển cũng bứt phá. Tình hình dịch bệnh và chính sách Không-Covid của Trung Quốc lại thêm căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine là các yếu tố gây thêm áp lực lên thương mại toàn cầu. Trong một báo cáo mới đây, SSI Reserach đánh giá ngành vận tải container quốc tế và nội địa sẽ tiếp tục hưởng lợi. Giá cổ phiếu HAH, MHC, GMD, VSC đều đồng loạt tăng trần.
Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận sự hồi phục của cổ phiếu ngân hàng sau phiên rơi sâu hôm qua. Sắc xanh trở lại với toàn bộ nhóm nhà băng, nhưng mức tăng khá khiêm tốn. Chỉ có một số ít cổ phiếu tăng giá trên 2% như BAB, HDB, LPB hay VPB.