Kế hoạch lỗ năm 2023 và không trả cổ tức năm 2022
Trong năm 2023, VNG lên kế hoạch doanh thu 9.281 tỷ đồng, tăng 18,99% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến lỗ 572 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.315 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh trong tương lai, VNG dự kiến tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và mở rộng thị trường. Ngoài việc tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ như trò chơi điện tử, quảng cáo, dịch vụ media, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, ví điện tử, Công ty đồng thời tăng cường đầu tư vào các sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới khác nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và mang đến nhiều tiện tích cho khách hàng.
Về cổ tức, sau năm 2022 ghi nhận lỗ, VNG dự kiến không trả cổ tức năm 2022.
Về nhân sự, ngày 22/3/2023, Công ty nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Nguyễn Lê Quốc Anh, vì vậy, Công ty trình cổ đông kế hoạch miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Nguyễn Lê Quốc Anh.
Được biết, ông Nguyễn Lê Quốc Anh sinh năm 1966, Thành viên HĐQT độc lập của VNG từ tháng 12/2022. Ông có bằng tiến sĩ công nghệ hạt nhân tại Hoa Kỳ, có kinh nghiệm nắm giữ vị trí quan trọng tại nhiều tổ chức lớn. Ông từng Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư của T-Mobile (2011-2015); và Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank (2015-2020).
Bên cạnh đó, VNG dự kiến thay đổi phương án xử lý hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ. Trước đó, tại Đại hội năm 2022 đã phê duyệt phương án xử lý đối với số cổ phiếu này là chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thông qua thủ tục phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể giải quyết theo phương án nêu trên.
Do vậy, Hội đồng quản trị VNG đang cân nhắc phương án mới để xử lý số cổ phiếu này để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với quy định. Phương án sẽ được hoàn thiện và trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Một điểm đáng lưu ý khác, VNG vừa thay đổi ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 từ ngày 30/6/2023 sang ngày 7/7/2023. Được biết, ngày 6/6, VNG đã chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Theo tìm hiểu, Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị quyết định gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Trong đó, VNG đang sử dụng năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc ngày 31/12 hàng năm.
Tăng lỗ thêm 218,48 tỷ đồng sau kiểm toán năm 2022
Sau kiểm toán năm 2022, VNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm thêm 16,61% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm 218,48 tỷ đồng, về lỗ 1.533,92 tỷ đồng so với trước kiểm toán chỉ lỗ 1.315,44 tỷ đồng.
Trong đó, biến động đáng chú ý sau kiểm toán là lợi nhuận gộp giảm 23,39 tỷ đồng, về 3.437,03 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 35,92 tỷ đồng, về 26,33 tỷ đồng; lỗ công ty liên kết tăng thêm 58,73 tỷ đồng, lên mức lỗ 181,21 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 129,95 tỷ đồng, lên 1.578,94 tỷ đồng và các biến động khác.
Như vậy, luỹ kế năm 2022, VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.800,52 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 1.533,92 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 71 tỷ đồng, tức lỗ tăng thêm 1.462,92 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 46,3%, về còn 44,1%.
Với lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ ghi nhận lỗ 1.077,14 tỷ đồng trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG đã giảm từ 6.648,3 tỷ đồng, về 5.092,95 tỷ đồng.
Thêm nữa, trong quý I/2023, CTCP VNG ghi nhận doanh thu đạt 1.852,5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty ghi nhận tiếp tục lỗ 40,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 15,9 tỷ đồng, tức giảm 24,6 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của CTCP VNG tăng nhẹ 0,9% so với đầu năm, lên 8.975,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 2.922,5 tỷ đồng, chiếm 32,6% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 2.367,3 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 1.547,5 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.203,7 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tài sản biến động chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 4,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 152,1 tỷ đồng, về 2.922,5 tỷ đồng. Ngoài ra, tài sản dở dang dài hạn giảm 93,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 972,4 tỷ đồng, về 66,3 tỷ đồng; tài sản cố định tăng 97,6%, tương ứng tăng thêm 1.169,4 tỷ đồng, lên 2.367,3 tỷ đồng…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/6, cổ phiếu VNZ tăng 2.800 đồng lên 755.000 đồng/cổ phiếu.