Cụ thể, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của VNG ghi nhận giảm thêm 16,61% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm 218,48 tỷ đồng, về lỗ 1.533,92 tỷ đồng so với trước kiểm toán chỉ lỗ 1.315,44 tỷ đồng.
Trong đó, biến động đáng chú ý sau kiểm toán là lợi nhuận gộp giảm 23,39 tỷ đồng, về 3.437,03 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 35,92 tỷ đồng, về 26,33 tỷ đồng; lỗ công ty liên kết tăng thêm 58,73 tỷ đồng, lên mức lỗ 181,21 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 129,95 tỷ đồng, lên 1.578,94 tỷ đồng và các biến động khác.
Kết quả kinh doanh của VNG trước và sau kiểm toán năm 2022 (Nguồn: VNG) |
Như vậy, luỹ kế năm 2022, VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.800,52 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 1.533,92 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 71 tỷ đồng, tức lỗ tăng thêm 1.462,92 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 46,3%, về còn 44,1%.
Với lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ ghi nhận lỗ 1.077,14 tỷ đồng trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG đã giảm từ 6.648,3 tỷ đồng, về 5.092,95 tỷ đồng.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa Quyết định đưa cổ phiếu VNZ vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/5 do Công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin. Như vậy, cổ phiếu VNZ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
Được biết, ngày 5/1/2023, VNG đã đăng ký giao dịch 35,8 triệu cổ phiếu trên UPCoM với giá tham chiếu là 240.000 đồng/cổ phiếu, đạt mức định giá khoảng 8,59 nghìn tỷ đồng (366,42 triệu USD) vào thời điểm đó.
Cổ phiếu này đã đạt đỉnh vào ngày 15/2 tại mức giá 1.358.700 đồng/cổ phiếu, tăng 4,66 lần so với giá chào sàn, nhưng sau đó đã liên tục giảm điểm và tính tới ngày 26/5 chỉ còn 740.000 đồng/cổ phiếu (cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, chỉ giao dịch phiên thứ Sáu hàng tuần và phiên thứ Sáu gần nhất là ngày 26/5), thấp hơn 45,5% so với đỉnh ngày 15/2.
Quý I/2023, VNG tiếp tục lỗ thêm 40,5 tỷ đồng
Trước đó, trong quý I/2023, CTCP VNG ghi nhận doanh thu đạt 1.852,5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty ghi nhận tiếp tục lỗ 40,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 15,9 tỷ đồng, tức giảm 24,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 16,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 122,5 tỷ đồng, lên 847,1 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 57,3%, tương ứng giảm 24,26 tỷ đồng, về 18,09 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 108,9%, tương ứng tăng thêm 4,15 tỷ đồng, lên 7,96 tỷ đồng; lãi/lỗ công ty liên doanh, liên kết ghi nhận lỗ 27,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 7,6 tỷ đồng, tức giảm 19,9 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 4,7%, tương ứng tăng thêm 39,3 tỷ đồng, lên 880,9 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của CTCP VNG tăng nhẹ 0,9% so với đầu năm, lên 8.975,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 2.922,5 tỷ đồng, chiếm 32,6% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 2.367,3 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 1.547,5 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.203,7 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tài sản biến động chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 4,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 152,1 tỷ đồng, về 2.922,5 tỷ đồng. Ngoài ra, tài sản dở dang dài hạn giảm 93,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 972,4 tỷ đồng, về 66,3 tỷ đồng; tài sản cố định tăng 97,6%, tương ứng tăng thêm 1.169,4 tỷ đồng, lên 2.367,3 tỷ đồng…
Công ty thuyết minh chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm do không còn ghi nhận dự án VNG Data Center so với đầu năm 991,7 tỷ đồng. Như vậy, nhiều khả năng dự án đã triển khai xong, công ty chuyển từ chi phí xây dựng cơ bản dở dang sang tài sản cố định.
Về danh sách các khoản đầu tư vào Công ty liên kết, Công ty tiếp tục lỗ 27.5 tỷ đồng trong quý I/2023. Trong đó, chủ yếu lỗ 12,03 tỷ đồng Công ty Funding Asia; lỗ 9,3 tỷ đồng Telio; lỗ 4,89 tỷ đồng Ecotruck; lỗ 1,09 tỷ đồng Rocketeer; và lỗ 0,2 tỷ đồng Dayone. Trong đó, khoản đầu tư 510,1 tỷ đồng vào Tiki Global đã trích lập toàn bộ dự phòng do lỗ 510,1 tỷ đồng.
Kinh doanh thua lỗ, VNG muốn huy động thêm 100 triệu USD
Theo các nguồn tin của Reuters, VNG đã tiếp cận các quỹ đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư doanh nghiệp để tham gia vào vòng cấp vốn mới nhất và lên kế hoạch sử dụng số tiền thu được để mở rộng hơn nữa.
Các nguồn tin cho biết sau khi kết thúc huy động vốn, kế hoạch dài hạn của VNG là niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore. Một trong những nguồn tin cho biết thời điểm niêm yết có thể sớm nhất là vào năm sau.
Vòng cấp vốn diễn ra vào thời điểm các công ty internet và công nghệ trên toàn cầu đang đối mặt với những thách thức về huy động vốn khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không chắc chắn, lãi suất tăng và thị trường niêm yết đang đầy biến động.
Công ty dịch vụ thanh toán Stripe vào tháng 3 đã huy động được 6,5 tỷ USD trong vòng cấp vốn với mức định giá còn 50 tỷ USD, giảm mạnh so với mức định giá kỷ lục 95 tỷ USD vào năm 2021.
Được thành lập vào năm 2004, VNG được xem là công ty kỳ lân và công ty khởi nghiệp đầu tiên của Việt Nam được định giá từ 1 tỷ USD trở lên và VNG đã ký một thỏa thuận sơ bộ với Sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq của Mỹ vào năm 2017 để tiến hành IPO, nhưng hiện chưa rõ liệu công ty có tiến hành IPO lên sàn Nasdaq hay không.