Dừng phương án chào bán cổ phiếu quỹ đã thông qua cuối năm 2022
Cụ thể, VNG vừa thông qua việc dừng chào bán 7.108.262 cổ phiếu quỹ đã thông qua năm 2022 và đồng thời thực hiện giảm vốn điều lệ từ 358,44 tỷ đồng về 287,36 tỷ đồng (tương ứng hủy 7.108.262 cổ phiếu quỹ).
Điểm đáng lưu ý, năm 2022, VNG đã xin ý kiến cổ đông bán 7.108.262 cổ phiếu với giá 177.881 đồng/cổ phiếu để thu về 1.264 tỷ đồng. Trong đó, bên mua dự kiến là CTCP Công nghệ BigV. Nếu giao dịch thành công, CTCP Công nghệ BigV sẽ nâng sở hữu từ 5,7% lên 30,5% vốn điều lệ tại VNG.
Tuy nhiên, VNG đã lý giải việc không chào bán cổ phiếu quỹ cho CTCP Công nghệ BigV do một số lý do khách quan, kế hoạch năm ngoái dù đã được thông qua nhưng chưa thực hiện, Công ty đã cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra phương án mới chủ động trong năm 2023.
Ngoài ra, VNG cũng thực hiện lý giải việc đầu tư vào ZaloPay lại ghi nhận lỗ lớn, Công ty cho rằng khoản lỗ đã được dự đoán trước và là khoản đầu tư dài hạn. Với các sản phẩm nền tảng, VNG tập trung vào chất lượng, công nghệ, nền tảng khách hàng mới tìm kiếm cơ hội doanh thu. Đây là mô hình kinh doanh phổ biến của các công ty công nghệ.
Theo tìm hiểu, Công ty sở hữu ZaloPay là CTCP Zion, đơn vị liên tục ghi nhận thua lỗ từ năm 2017 đến năm 2022. Trong đó, năm 2017 lỗ 30,7 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 180,6 tỷ đồng; năm 2019 ghi nhận lỗ 344,9 tỷ đồng; năm 2020 ghi nhận lỗ 685,98 tỷ đồng; năm 2021 ghi nhận lỗ 1.229,4 tỷ đồng; năm 2022 ghi nhận lỗ 1.309,9 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2023, VNG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 9.281 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2022 và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là âm 378 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 1.077,1 tỷ đồng).
Về cổ tức, năm 2022, VNG quyết định giữ lại toàn bộ và không chia cổ tức cho cổ đông.
Lý giải cho việc không trả cổ tức, VNG cho biết do luôn quan tâm đến lợi ích dài hạn của cổ đông và sự phát triển bền vững của Công ty. Nguồn lợi nhuận giữ lại được phân bổ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, mở rộng thị trường, nâng cấp hạ tầng để tạo ra tăng trưởng lâu dài. Bên cạnh đó, do hậu Đại dịch Covid-19…, Công ty cần chuẩn bị kế hoạch dự phòng để kinh doanh ổn định.
Tăng lỗ thêm 218,48 tỷ đồng sau kiểm toán năm 2022
Sau kiểm toán năm 2022, VNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm thêm 16,61% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm 218,48 tỷ đồng, về lỗ 1.533,92 tỷ đồng so với trước kiểm toán chỉ lỗ 1.315,44 tỷ đồng.
Trong đó, biến động đáng chú ý sau kiểm toán là lợi nhuận gộp giảm 23,39 tỷ đồng, về 3.437,03 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 35,92 tỷ đồng, về 26,33 tỷ đồng; lỗ công ty liên kết tăng thêm 58,73 tỷ đồng, lên mức lỗ 181,21 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 129,95 tỷ đồng, lên 1.578,94 tỷ đồng và các biến động khác.
Như vậy, luỹ kế năm 2022, VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.800,52 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 1.533,92 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 71 tỷ đồng, tức lỗ tăng thêm 1.462,92 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 46,3%, về còn 44,1%.
Với lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ ghi nhận lỗ 1.077,14 tỷ đồng trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG đã giảm từ 6.648,3 tỷ đồng, về 5.092,95 tỷ đồng.
Thêm nữa, trong quý I/2023, CTCP VNG ghi nhận doanh thu đạt 1.852,5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty ghi nhận tiếp tục lỗ 40,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 15,9 tỷ đồng, tức giảm 24,6 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của CTCP VNG tăng nhẹ 0,9% so với đầu năm, lên 8.975,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 2.922,5 tỷ đồng, chiếm 32,6% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 2.367,3 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 1.547,5 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.203,7 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tài sản biến động chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 4,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 152,1 tỷ đồng, về 2.922,5 tỷ đồng. Ngoài ra, tài sản dở dang dài hạn giảm 93,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 972,4 tỷ đồng, về 66,3 tỷ đồng; tài sản cố định tăng 97,6%, tương ứng tăng thêm 1.169,4 tỷ đồng, lên 2.367,3 tỷ đồng…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/7, cổ phiếu VNZ đóng cửa giá tham chiếu 747.900 đồng/cổ phiếu.