VNPT đã cán đích năm 2020 với những thành tích khá ấn tượng. |
Đổi mới toàn diện phương thức sản xuất
Năm 2020 là một năm mà thị trường viễn thông cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp viễn thông và từ các dịch vụ OTT của Facebook, Google, Viber, Zalo… Đây cũng là một năm vô cùng đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi mọi mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thiên tai cũng diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước, đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử xảy ra vào trung tuần tháng 10/2020 tại khu vực Trung bộ đã gây thiệt hại lớn về người và của. Hạ tầng của VNPT cũng bị thiệt hại nặng nề.
“Trong bối cảnh khó khăn đó, VNPT đã triển khai đổi mới toàn diện phương thức tổ chức sản xuất và kinh doanh dịch vụ, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng sáng tạo công nghệ”, ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cho biết.
VNPT đã cán đích năm 2020 với những thành tích khá ấn tượng. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 162.700 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 7.100 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 5.200 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT đạt 10,4%.
Năm 2020, VNPT đã hoàn thành cơ bản kế hoạch phát triển hạ tầng mạng di động với quy mô hạ tầng tăng 18%, thiết bị trạm 4G tăng 27% và vùng phủ sóng 4G tăng hơn 5% so với cuối năm 2019, tới nay đạt hơn 100.000 trạm BTS. Chất lượng mạng lưới không ngừng được củng cố và có nhiều chuyển biến tích cực. Các dịch vụ cốt lõi như di động 2G/3G/4G, BRCĐ, MyTV và vệ tinh Vinasat đã đạt chỉ số chất lượng của các nhà mạng dẫn đầu trên thế giới. Tốc độ truy cập data mạng 4G trung bình tăng gần 10%, trong khi thời gian mất liên lạc trung bình giảm trên 22% so với cuối năm 2019.
VNPT đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hạ tầng thông tin cho một loạt sự kiện quan trọng của đất nước như: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại hội đồng liên nghị viện Asean - AIPA; Truyền hình hội nghị phục vụ các kỳ họp thứ 9 và thứ 10, Quốc hội khoá XIV; Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36... qua đó khẳng định năng lực mạng lưới và chất lượng mạng dịch vụ của VNPT.
Công tác kinh doanh các dịch vụ cốt lõi đã có nhiều sáng tạo và đạt kết quả tích cực: doanh thu data tăng trưởng 18,9%, tỷ trọng doanh thu data trong tổng doanh thu di động tăng từ 28,3% (năm 2019) lên 35,2% (năm 2020); doanh thu băng rộng tăng trưởng 5,5%, thuê bao tăng 39%; doanh thu MyTV tăng 36,2%, thuê bao tăng 34,2%; doanh thu CNTT tăng 18%.
Tiên phong trong chuyển đổi số
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, VNPT đã khẳng định vai trò tiên phong khi triển khai thành công nhiều nền tảng lớn cho Chính phủ gồm: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cổng dịch vụ công quốc gia. VNPT cũng dựng và tích hợp thành công nền tảng thanh toán Payment Platform với Cổng dịch vụ công quốc gia và các Cổng dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương để thực hiện thanh toán cho dịch vụ công trực tuyến.
VNPT đang tích cực tham gia xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng như: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; cơ sở dữ liệu y tế; cơ sở dữ liệu giáo dục…
Cũng trong năm 2020, đồng hành cùng Chính phủ triển khai mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, VNPT đã vận dụng toàn bộ hệ sinh thái của mình. Nhiều giải pháp phục vụ việc giãn cách xã hội như phần mềm đào tạo trực tuyến VNPT E-Learning, phần mềm họp trực tuyến VNPT Meeting đã được VNPT triển khai. Đặc biệt, VNPT đã xây dựng ứng dụng khai báo y tế tự nguyện (NCOVI) phục vụ người dân khai báo y tế một cách dễ dàng, giúp kiểm soát tình hình dịch bệnh, ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đối với chuyển đổi số cho các địa phương, trong giai đoạn 2016 - 2020, VNPT đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện về viễn thông - công nghệ thông tin với 55/63 tỉnh, thành phố, tiếp cận giới thiệu và tư vấn về đề án đô thị thông minh với 28 tỉnh, thành phố. Chuẩn bị cho giai đoạn 2021 - 2025, VNPT đã và đang xúc tiến ký kết các hợp tác chiến lược mới với tất cả các tỉnh, thành phố, đến nay đã ký kết được với 12/63 UBND tỉnh, thành phố.
VNPT đã đưa hệ sinh thái số tiếp cận đến tất cả các lĩnh vực quản lý của 63 tỉnh, thành phố phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính của địa phương; tổ chức giới thiệu về đô thị thông minh và trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại 42/63 tỉnh, thành phố, trong đó đã khai trương tại 20 tỉnh, thành phố.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV lần đầu tiên được triển khai bằng hình thức trực tuyến, VNPT là đơn vị triển khai, góp phần tổ chức thành công phiên họp này. Đây là tiền đề quan trọng để VNPT tiếp tục đồng hành với Quốc hội trong triển khai quốc hội điện tử, đồng thời một lần nữa khẳng định uy tín và năng lực, kinh nghiệm của VNPT trong các dự án quốc gia trọng điểm.
“Bên cạnh những thành tích đã đạt được, chúng tôi nhận thấy vẫn còn những tồn tại yếu kém cần phải tiếp tục nỗ lực khắc phục, vượt qua. Trong đó thách thức lớn nhất là phải tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi hoàn thiện các cơ chế, để các cơ chế phải thật sự tạo được động lực cho mỗi cá nhân, phù hợp với thời đại của chuyển đổi số, qua đó đưa VNPT phát triển”, ông Phạm Đức Long cho biết.
Có thể nói, VNPT đã đặt những bước chân vững chắc trên hành trình chuyển đổi số, thể hiện vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia. Đó là cơ sở để Tập đoàn tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chiến lược, phát triển đúng mục tiêu đặt ra là trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.