Sau 3 năm triển khai thỏa thuận hợp tác chiến lược về Viễn thông – CNTT, đến nay, mạng di động Vinaphone có tổng số 620 trạm phát sóng 2G, 3G và 75 trạm 4G phủ sóng 95% diện tích toàn tỉnh. Mạng dùng riêng cho kết nối ứng dụng văn bản điều hành từ Tỉnh ủy đến các Đảng bộ trực thuộc trong toàn tỉnh được đảm bảo an toàn thông tin, duy trì và hoạt động thông suốt.
VNPT đã thiết lập và duy trì ổn định 2 đường internet trực tiếp phục vụ cho kết nối Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; 1 đường truyền trực tiếp từ Trung tâm Hành chính công đến Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; đường truyền và kết nối trực tuyến đến xã, kết nối liên thông 4 cấp từ T.Ư, tỉnh, huyện, xã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính; lắp đặt 22 trạm phát sóng Wifi (43 thiết bị) phục vụ cho việc quảng bá du lịch; quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, tổ chức, các cấp chính quyền.
Về giáo dục, VNPT đã triển khai phần mềm VNPT-iOffice trong toàn tỉnh đảm bảo liên thông 4 cấp với 2.122 đơn vị được kết nối, gần 26.000 tài khoản đã được cấp. Đến nay, có 4 triệu văn bản được lưu chuyển liên thông giữa các đơn vị. Triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, học tập đến các cấp học và các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh; triển khai hội nghị trực tuyến đến xã với 209 điểm cầu trong tỉnh; triển khai tin nhắn thương hiệu đến các hộ gia đình (SMS Brandname); xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện và thanh toán Bảo hiểm y tế; phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến cho Công an tỉnh; phần mềm kê khai Bảo hiểm xã hội và khai báo thuế qua mạng…
Tại Hội nghị, tỉnh Hà Giang và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã cùng ký kết Biên bản ghi nhớ “Xây dựng đô thị thông minh cho tỉnh Hà Giang”. Với những nội dung chủ yếu: khảo sát, xây dựng Đề án; Xây dựng đô thị thông minh cho tỉnh Hà Giang, đảm bảo tuân thủ kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh; Triển khai tích hợp các dịch vụ, hệ thống thông minh; Đề xuất những nội dung, giải pháp trong Đề án theo thế mạnh của VNPT và các đối tác của VNPT; Trên cơ sở đề án “Xây dựng đô thị thông minh cho tỉnh Hà Giang”, xem xét xây dựng đề án tổng thể và triển khai đô thị điện tử cho tỉnh Hà Giang.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang (bên trái) và ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn BVNPT ký biên bản ghi nhớ về hợp tác triển khai Đô thị thông minh. |
Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT cho biết, VNPT cam kết sẽ huy động đội ngũ cán bộ, chuyên gia giàu kinh nghiệm, tích cực phối hợp với các sở ban ngành của Hà Giang để nhanh chóng triển khai có hiệu quả các nội dung của thỏa thuận hợp tác VT-CNTT cũng như Biên bản ghi nhớ này.
"Trước mắt, VNPT sẽ phối hợp cùng UBND Tỉnh và các sở ban ngành tập trung triển khai các giải pháp về hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn thông tin, qua đó nâng cao vị trí của Hà Giang trong bảng xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin ICT Index. Chúng tôi cũng sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai các giải pháp phục vụ cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của Tỉnh như giáo dục, y tế, và sẽ nghiên cứu, đề xuất với Tỉnh các giải pháp công nghệ thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu khác như môi trường, nông nghiệp, du lịch", ông Long nói
Phát biểu tại Hội nghị, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho hay, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tình hình ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đột phá thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội.. Kết quả hợp tác thời gian qua đã giúp Hà Giang trở thành địa phương đi đầu trong kết nối hệ thống chính trị. Tỉnh còn nhiều dư địa để phát triển và đang hướng đến xây dựng Đô thị thông minh, xây dựng nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh. Do đó, ông Vinh đề nghị Tập đoàn VNPT quan tâm đưa vào các gói dịch vụ mới, tiện ích mới, phù hợp với thực tế của tỉnh; tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao trình độ Viễn thông - CNTT cho cán bộ công chức, viên chức sử dụng thành thạo các sản phẩm ứng dụng CNTT của VNPT trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tỉnh triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, Đô thị thông minh và giúp Hà Giang trở thành điểm sáng về ứng dụng CNTT, thương mại điện tử.
Còn ông Nguyễn Văn Sơn. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai quyết liệt kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước, giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết số 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử; triển khai các nội dung thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh với Tập đoàn BCVT Việt Nam để xây dựng hạ tầng kỹ thuật mạng, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển Viễn thông – CNTT vào công tác quản lý hành chính Nhà nước của tỉnh; ưu tiên cho xây dựng mạng Viễn thông - CNTT rộng khắp trên cơ sở kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh; triển khai các lớp tập huấn về ứng dụng CNTT; nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để phát triển hạ tầng Viễn thông – CNTT, tạo đà cho ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước…
Tính đến thời điểm này, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với 54 UBND tỉnh/thành phố; triển khai các giải pháp Chính quyền điện tử cho 61 tỉnh thành phố, cung cấp phần mềm quản lý y tế cho hơn 7.000 cơ sở y tế (trên tổng số khoảng 13.000 cơ sở y tế trên cả nước), triển khai hệ thống quản lý giáo dục cho hơn 12.000 trường học với gần 5 triệu hồ sơ học sinh.
VNPT cũng là đơn vị đi đầu trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 và đô thị thông minh tại Việt Nam khi đang tư vấn và triển khai các giải pháp thông minh cho 17 tỉnh thành phố trên phạm vi cả nước. Vào tháng 10/2017, VNPT đã triển khai thành công giai đoạn 1 của đề án đô thị thông minh cho huyện đảo Phú Quốc. Tháng 11/2017, VNPT đã cùng với UBND thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành và chính thức công bố bản đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.