Điểm nóng
Vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ tố nhau làm công ty thiệt hại
Hồng Châu - 11/08/2016 11:07
Trong khi "Vua cà phê" cho rằng bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có nhiều quyết định ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh thì bà Thảo cũng "tố" ngược chồng chuyện gây xáo trộn nhân sự.

Tranh chấp quyền điều hành Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên hơn một năm nay vẫn chưa đến hồi kết, khi quyết định tước quyền điều hành doanh nghiệp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ từ Sở Kế hoạch & Đầu tư Bình Dương gần đây bị tòa án quyết định cho ngừng thi hành. Sự việc này diễn ra sau hàng loạt tố cáo qua lại giữa 2 ông bà chủ là Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo.

Trong văn bản gửi tòa án, ông Vũ lấy tư cách là người điều hành Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng, trong thời gian giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên, bà Thảo đã ban hành một số văn bản ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Trong khi đó, Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên có 85% cổ phần là của Tập đoàn Trung Nguyên.

Tranh chấp quyền điều hành cà phê hòa tan Trung Nguyên vẫn chưa đến hồi kết. 

Theo đơn này, cuối tháng 10/2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã chỉ thị ngưng sản xuất sản phẩm G7 bịch 100 và bịch 50 gói cho thị trường nội địa. Đến giữa tháng 11, bà tiếp tục có thông báo ngưng sản xuất sản phẩm cà phê hòa tan theo các loại hợp đồng nguyên tắc ký năm 2013 với Chi nhánh Tập đoàn Trung Nguyên – Nhà máy cà phê Sài Gòn.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng việc điều hành nêu trên đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Trung Nguyên. Điển hình là tại báo cáo tài chính 2015, doanh thu nội địa bị sụt giảm nghiêm trọng do đột ngột ngừng cung cấp sản phẩm hòa tan từ ngày 9/11/2015 đến ngày 19/12/2015. Ngoài ra, chỉ thị đóng cửa 2 nhà máy tại Bình Dương và Bắc Giang do bà Lê Hoàng Diệp Thảo ký và triển khai thực hiện cũng gây ảnh hưởng lớn. "Riêng tháng 11, công ty đã mất cơ hội bán hàng hòa tan trị giá 131 tỷ đồng, do không có hàng để giao cho khách", văn bản này viết.

Bên cạnh đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn chỉ ra việc vợ mình đã cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Cụ thể là ngày 11/3/2016, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đến Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên (Bình Dương) theo thông báo mời họp Hội đồng quản trị lần 2 nhưng bảo vệ công ty khóa cổng với lý do chưa có lệnh của bà Thảo thì không mở cổng cho bất cứ ai. Lần họp tiếp theo vào ngày 17/3, ông cũng đến nhưng bảo vệ công ty đóng cổng và ông Vũ phải dùng biện pháp can thiệp mới được vào.

Phản bác lại tố cáo của ông Vũ, trong đơn khiến nại ngày 25/7 gửi Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương, bà Thảo cũng liệt kê chi tiết những chỉ đạo và hành động mà bà cho là sai trái của ông Vũ gây ảnh hưởng đến công ty.

Cụ thể, nữ doanh nhân này cho rằng chính ông Vũ đã tiến hành thanh lý hợp đồng với nhà cung cấp, thay đổi, ngăn chặn việc thực hiện các lệnh thanh toán với ngân hàng, mua chuộc đội ngũ bảo vệ đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát an ninh tại cổng ra vào của nhà máy Bình Dương... Bà Thảo cũng cho rằng chồng mình đã chỉ đạo ủy quyền cho các cá nhân tự ý xông vào nhà máy, không chế bảo vệ và chốt cổng ra vào của nhà máy, không cho công nhân viên của công ty làm việc. "Hành động này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và cung ứng hàng hóa cho thị trường bị ngưng trệ và có nguy cơ vi phạm hợp đồng", đơn khiếu nại viết.

Vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong 'bàn cờ thế' Trung Nguyên

Chi tiết

Bên cạnh đó, theo bà Thảo, lãnh đạo Tập đoàn Trung Nguyên còn ban hành hàng loạt các thông báo, chỉ thị, quyết định bổ nhiệm nhân sự làm xáo trộn đến quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh tại công ty, làm cho cán bộ công nhân viên tại công ty lo lắng bất an. Ông Vũ còn bị phản ánh là đã cho di chuyển và cưỡng đoạt toàn bộ máy móc, thiết bị, hàng hóa, nguyên phụ liệu ra khỏi nhà máy. "Sự việc ngày càng nghiêm trọng hơn khi ngay tối 13/5, một số cán bộ quản lý cấp cao của Tập đoàn Trung Nguyên được ông Vũ ủy quyền đã thuê đội ngũ bảo vệ 50-60 người, trong đó có cả "cá nhân xã hội đen" đến không chế nhà máy, đe dọa, xua đuổi toàn bộ cán bộ, nhân viên ra khỏi nhà máy", đơn viết.

“Kể từ khi gây dựng thương hiệu Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên, tôi đã đổ nhiều mồ hôi công sức, đóng góp tiền bạc và xương máu để có được hôm nay”, bà Thảo bộc bạch đồng thời đưa ra nhiều nhận xét về vấn đề sức khỏe, tâm lý hiện nay của chồng trong đơn khiếu nại gửi tòa án.

Sau khi nhận đơn khiếu nại của bà Thảo, tới nay Tòa án Nhân dân Bình Dương trả lời vẫn giữ nguyên lập trường áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đình chỉ thi hành toàn bộ Quyết định số 300 của Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch & Đầu tư Bình Dương. Như vậy, việc chuyển giao quyền đại diện pháp luật từ ông Vũ sang bà Thảo tới nay vẫn chưa rõ ràng.

Vụ việc tranh chấp quyền kiểm soát Cà phê hòa tan Trung Nguyên kéo dài từ cuối năm ngoái khi Trung Nguyên thông báo việc dừng cung cấp cà phê hòa tan với lý do bảo trì máy móc. Tuy nhiên, sau đó bà Lê Hoàng Diệp Thảo có văn bản gửi các đối tác, cơ quan quản lý cho biết, nguyên nhân chính là đang có sự tranh chấp giữa 2 vợ chồng bà. Theo đó, trong thời gian chờ tòa án giải quyết việc ly hôn, ông Vũ đã tự ý miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên của vợ.

Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, việc làm của ông Vũ là “không đảm bảo tính pháp lý" bởi Hội đồng quản trị công ty có 3 thành viên. Tuy nhiên, các lần họp để miễn nhiệm chức danh trên chỉ có một mình ông Vũ họp và tự ra quyết định.

Tin liên quan
Tin khác