Ngân hàng - Bảo hiểm
Vợ chồng tôi không tiết kiệm nổi tiền vì "dính bẫy" mua trả góp
Mạnh Quân - 22/09/2017 20:21
Tôi đã bắt đầu thấy ngại khi giờ đây, tuần nào cũng có lịch đi trả tiền mua đồ.

Mua hàng trả góp dễ dàng, vợ chồng anh Mạnh Quân liên tục thay tivi, điện thoại, xe máy... Họ không có tích lũy sau hơn chục năm đi làm. Dưới đây là chia sẻ của anh Quân, 37 tuổi, hiện sống tại TP HCM.

Vợ chồng tôi thu nhập khoảng 25-30 triệu/tháng. Chúng tôi có một dãy 10 phòng trọ, được bố mẹ cho để làm ăn từ khi tôi cưới vợ, mỗi tháng thu được 15 triệu. Hai vợ chồng mở một cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà, thu lời tầm 10-15 triệu nữa. Trước đây, chúng tôi cùng làm công nhân trong một công ty của Đài Loan. Sau khi sinh liền tù tì hai đứa con, vợ tôi quyết định nghỉ việc ở nhà để trông con. Tôi làm công nhân thêm khoảng 5 năm nữa cũng nghỉ vì chán cảnh chuyển công ty, chán cảnh làm ca đêm, trái giờ giấc sinh hoạt với cả nhà nên rất bất tiện, trong khi lương chỉ 4-5 triệu/tháng.

Chúng tôi mở cửa hàng vào giữa năm 2013, lúc đó vét hết tiền trong nhà được 50 triệu, vay thêm người quen 100 triệu nữa để nhập hàng về bán. Từ đó đến giờ, cuộc sống cứ tiếp diễn, tiền làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. May mắn là đầu năm nay, chúng tôi đã trả được hết tiền vay khi mở cửa hàng.

Theo thạc sĩ tài chính ngân hàng Lê Thị Kim Oanh, mua hàng trả góp thực ra là một hình thức vay tiền của các tổ chức tín dụng để trả cho người bán hàng. Khoản vay này không cần tài sản thế chấp nên để được vay, bạn sẽ buộc phải mua bảo hiểm cho khoản vay của mình. Mức tiền mua bảo hiểm thường bằng khoảng 10-20% giá trị khoản vay của bạn. Vì thế, dù là vay với lãi suất 0 đồng, bạn vẫn phải trả thêm 10-20% giá trị sản phẩm so với những người trả hết một lần. Để biết mình bị mua đắt hơn bao nhiêu tiền, bạn nên tính tổng số tiền mình phải trả so với mức giá ban đầu của món hàng.

Bà Oanh nhận xét, hình thức mua trả góp vừa giúp người bán hàng tăng doanh số vừa giúp người tiêu dùng được sở hữu món hàng khi mình chưa có đủ tiền. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần tỉnh táo để tránh trở thành "Chúa chổm". Nếu người vay một lần không trả được nợ, họ sẽ bị đưa vào danh sách đen, chắc chắn sau này, không thể mua được hàng trả góp ở đâu nữa.

Nhà có sẵn, thu nhập gấp đôi những gia đình công nhân sống xung quanh, chỉ nuôi 2 đứa con nhưng từ hồi kết hôn đến giờ chúng tôi gần như chả tích lũy được gì. Thời mới cưới cách đây cả chục năm, tất nhiên thu nhập của chúng tôi không cao như bây giờ. Sau đó sinh con, tiêu tốn cả mớ tiền, rồi vài lần đổi việc, thất nghiệp tạm thời, cũng không tích lũy được. Tuy nhiên, kể từ lúc mở hàng tạp hóa, cuộc sống ổn định, đi vào quỹ đạo mà tiền cứ đi đâu hết.

Hiện giờ, chúng tôi không có một đồng nào để gửi tiết kiệm, tiền mặt trong nhà thường chỉ tầm 10 triệu, chúng tôi vẫn có những món nợ nhỏ (không phải tiền hàng) phải thanh toán hàng tháng. Bây giờ, Sài Gòn đang mùa mưa và mùa triều cường cao nhất trong năm, mấy hôm nay, khu nhà trọ của tôi bị ngập mà tôi chưa biết tìm đâu ra tiền để sửa chữa.

Hôm qua, vừa đi đóng tiền trả góp cái tủ lạnh kỳ thứ hai về, gặp cậu bạn học cũ nói chuyện đời chuyện việc, tôi nhận ra một trong những lý do khiến chúng tôi không tích lũy được là do mắc bẫy của việc mua hàng trả góp.

Do nhà chúng tôi ở và dãy phòng trọ vẫn chung sổ đỏ với cha mẹ, công việc bán tạp hóa chỉ là kinh tế hộ gia đình, chúng tôi không thể vay tiền ngân hàng, chỉ có thể vay tiền của các tổ chức tài chính (như các công ty bảo hiểm) với lãi suất cao hơn hẳn ngân hàng. Trong khi đó, tiền phòng trọ là đều đặn, nhưng khách thuê trọ đóng lắt nhắt từ ngày 1-15 hàng tháng. Tiền bán hàng cũng toàn món nhỏ lẻ, nên chúng tôi rất khó để tích thành một món lớn. Khi cần tiêu một món gì lớn, chúng tôi đều phải đi vay, rồi trả dần. Có những việc cần gấp, không thể chờ tiết kiệm đủ thì phải đi vay là điều có thể chấp nhận được. Khổ nỗi, nhiều khi đi shopping, nhìn những món đồ đẹp lại muốn mua ngay. Không có tiền sẵn, chúng tôi nghĩ ngay đến mua trả góp để có thể nhận hàng về sớm.

Dễ dàng mua đồ trả góp, chúng tôi bị nghiện lúc nào không hay. Dù đồ cũ chưa hỏng nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng thay đồ mới. Tính ra trong mấy năm gần đây, hai vợ chồng mua 2 cái xe tay ga trả góp (xe cũ vẫn để ở nhà, thỉnh thoảng dùng chở hàng), mua hai cái máy lạnh, một cái tủ lạnh, một cái máy giặt, mua một cái tivi 50 triệu, một cái 12 triệu và trung bình mỗi năm thay điện thoại một lần. Có những tháng, chúng tôi mua tới 4 món đồ trả góp, tuần nào cũng phải đi trả nợ.

Vì ngay từ đầu đã nghĩ đến chuyện mua trả góp nên chúng tôi chỉ tính số tiền mình phải đóng hàng tháng mà ít quan tâm đến tổng số tiền. Lúc ngồi nói chuyện với cậu bạn, tôi mới giật mình vì tiếng là mua lãi suất 0 đồng nhưng chúng tôi luôn bị mua đắt hơn người trả hết một lần, vì còn chịu khoản đóng bảo hiểm cho khoản tiền trả góp. Chưa kể, để được mua trả góp chúng tôi thường phải đến các trung tâm mua sắm lớn, chi phí mặt bằng, nhân viên đắt đỏ đã được chia vào các sản phẩm bán cho khách hàng. Ví dụ cái tivi tôi mua 12 triệu, bạn tôi mua ở một cửa hàng điện tử giá chỉ 10,7 triệu, dù hai sản phẩm đều được bảo hành chính hãng như nhau.

Nhận ra nguyên nhân tốn tiền là một chuyện, còn khắc phục lại là chuyện khác. Tôi đã bàn với vợ sau đợt này hạn chế hẳn việc mua trả góp, vợ ậm ừ nhưng cũng chỉ để đó, có lẽ cô ấy chưa thực sự nhận ra vấn đề.

Tin liên quan
Tin khác