Ba phụ nữ trú tại Nam Phước, Nguyễn Thị Hồng Minh, Trần Thị Lệ Thủy và Trần Thị Quỳnh Nga, đã rời khỏi địa phương trong khi các chủ nợ, người đóng hụi ráo riết tìm kiếm để lấy lại tiền. Hai đêm 22 và 23/10, hơn chục hộ dân kéo đến nhà bà Nguyễn Thị Hồng Minh ở thôn Châu Hiệp để xiết nợ đập phá nhà cửa, yêu cầu bà Minh trả số tiền đã chung hụi. Hàng trăm người dân hiếu kì tập trung khiến tình hình trật tự trở nên phức tạp.
Theo Công an thị trấn Nam Phước, khoảng 10 người hùn tiền chung hụi với bà Minh. Tuy nhiên, đến nay chỉ nhận được một đơn tố cáo của bà Phạm Thị Bâng (thôn Châu Hiệp), nói rằng bà đã góp hụi cho bà Minh 370 triệu đồng. Bà Trần Thị Quỳnh Nga (sinh năm 1983, trú tại thôn Mỹ Hạc) trước vay tiền trả lãi nong, nay được xác định vỡ nợ, bỏ trốn với số tiền hàng chục tỷ đồng.
| ||
Nhà của chủ hụi Nguyễn Thị Hồng Minh bị đập phá đêm 23/10. Ảnh: N.T. |
Đã có 7 hộ (ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên và huyện Điện Bàn) có đơn thư cầu cứu, tố cáo gửi Công an thị trấn Nam Phước, gồm: Hứa Thị Thu Phượng, Nguyễn Thị Thu Phương, Trương Vũ Hoài Thu, Trương Thị Trang, Trần Thị Đi, Lê Thị Diệp và Lê Thị Thủy. Bà Hứa Thị Thu Phương nói đã đưa cho bà Nga hơn 29 tỷ đồng. Các trường hợp còn lại nói đã đưa cho bà Nga từ 150 triệu đến 780 triệu đồng. Tổng số tiền cho vay theo đơn thư tố cáo là hơn 31 tỷ đồng.
Bà Nga được cho là trả lãi cho 7 chủ nợ với mức lãi suất 15%/tháng. Bà Nga rời khỏi địa phương từ đầu tháng 10, khiến các chủ nợ khốn đốn, nhốn nháo truy tìm. Ngày 24/10, bà Phượng đã làm việc với cán bộ Công an tỉnh Quảng Nam để cung cấp thông tin về trường hợp vỡ nợ này.
Trường hợp vỡ nợ thứ 3 liên quan bà Trần Thị Lệ Thủy (sinh năm 1975, trú tại khối phố Mỹ Hòa), với tổng nợ hơn 1 tỷ đồng.
Trung tá Hoàn nói rằng: việc người dân kéo đến nhà chủ hụi, con nợ đập phá nhà cửa không giải quyết được vấn đề gì; Công an tỉnh đang điều tra, người dân cần bình tĩnh chờ cơ quan chức năng giải quyết.
Theo ông Hoàn, rất có thể cả ba đường dây trên liên quan đến nhau, dẫn đến việc vỡ nợ, vỡ hụi theo dây chuyền. Số tiền vỡ hụi, vỡ nợ trên thực tế chắc chắn cao hơn mức khai báo, vì nhiều người dân không đứng ra tố cáo, do không có giấy tờ xác nhận cho vay, góp hụi.
Nguyễn Thành (Tiền Phong)