Một nguồn tin giấu tên cho biết mỗi chủ sở hữu của khoảng 480.000 xe động cơ diesel dung tích 2.0 lít sẽ nhận được một khoản bồi thường trung bình 5.000 USD cùng số tiền tương đương giá trị chiếc xe của họ tính đến thời điểm tháng 9/2015, trước khi vụ bê bối được phanh phui. Bên cạnh đó, Volkswagen sẽ đẩy mạnh phát triển các dòng xe không gây ô nhiễm khí thải và cung cấp tài chính cho 1 chương trình chống ô nhiễm không khí.
Ước tính giá trị của thỏa thuận trên là 10,3 tỷ USD.
Theo dự kiến, một phiên tòa xem xét về thỏa thuận dàn xếp cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 26/7 tới.
Thẩm phán Charles Breyer, người có trách nhiệm giám sát thỏa thuận dàn xếp này, đã yêu cầu các bên không thảo luận chi tiết thỏa thuận cho tới khi thỏa thuận được đưa ra trước tòa.
Tuy nhiên, một thỏa thuận dàn xếp tài chính sẽ không khép lại bê bối khí thải của Volkswagen tại Mỹ. Công ty này vẫn còn phải vượt qua các các buộc ô nhiễm khí thải liên quan tới các xe động cơ diesel dung tích 3.0 lít. Bên cạnh đó là cuộc điều tra hình sự của cơ quan chức năng Mỹ cũng như các cáo buộc tương tự tại châu Âu và nhiều nước khác.
Hãng sản xuất ôtô lớn nhất của Đức đã lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ khi hãng này ra đời, do bị phát hiện cài phần mềm gian lận khí thải cho hơn 11 triệu xe ôtô động cơ diesel trên toàn thế giới, ước tính riêng tại Mỹ có khoảng 600.000 xe.
Hãng này thừa nhận nhiều dòng xe chạy bằng động cơ diesel như Volkswagen, Audi và Porsche được quảng cáo là thân thiện với môi trường đã được bí mật lắp các thiết bị gian lận để che giấu mức khí thải gây ô nhiễm môi trường cao hơn quy định.
Ước tính, VW sẽ phải tốn tới hàng chục tỷ USD chi cho các khoản phạt và bồi thường tại nhiều quốc gia trên thế giới.