Như nhiều thanh niên ở Thanh Hóa, anh Trần Ngọc Quảng (thôn Tân Lý, xã Thanh Tâm, huyện Thạch Thành) đã từng có giai đoạn khó khăn trong việc xây dựng kinh tế gia đình. Anh học trung cấp ngành điện, nhưng rất khó tìm được việc làm phù hợp tại quê hương. Sau này, anh cùng gia đình đầu tư trang trại, nhưng nguồn vốn tự có của gia đình hạn chế, quy mô trang trại nhỏ và chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu cuộc sống.
Nhiều thanh niên ở Thanh Hóa đã khởi nghiệp thành công từ nguồn vốn chính sách |
Hai năm gần đây, được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Chương trình Quỹ quốc gia về việc làm, gia đình anh mở rộng trang trại tổng hợp theo mô hình “nông, lâm, ngư nghiệp”. Khoản vay khởi đầu 100 triệu đồng đã giúp trang trại tổng hợp của gia đình anh sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, bình quân thu nhập đạt 400 - 500 triệu đồng mỗi năm, giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động...
Được biết, tại Thanh Hóa, số lượng đoàn viên, thanh niên khoảng 1 triệu người, chiếm gần 50% lực lượng lao động trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo khảo sát sơ bộ, hàng năm, có gần 35.000 thanh niên chưa có việc làm ổn định, trong đó khoảng 25.000 học sinh, sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm.
Bên cạnh lực lượng thanh niên đi làm ăn xa ở các thành phố lớn, còn nhiều thanh niên ở địa phương tập trung làm ăn kinh tế, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, nhưng hầu hết ở quy mô nhỏ, lẻ. Có trên 1.500 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ - con số khá khiêm tốn so với lực lượng thanh niên dồi dào. Nguyên nhân một phần là do thanh niên muốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, nhưng lại thiếu vốn.
Nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Thanh Hóa đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh triển khai Chương trình Tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Đến nay, đa số các dự án được vay vốn của Chương trình đều sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho 229 lao động tại địa phương.
Nhu cầu vay vốn chính sách của thanh niên rất lớn
Nhu cầu vay vốn từ Chương trình Tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2017-2020 tại tỉnh Thanh Hóa là rất lớn. Theo thống kê, có 460 dự án xin đăng ký được tiếp cận nguồn vốn chương trình. Tính đến nay, Chương trình đã cho vay 118 lượt dự án, với tổng dư nợ đạt 10 tỷ đồng.
Tiêu biểu trong số đó là xưởng cơ khí của anh Hoàng Anh Sơn (trú tại thôn Hợp Thành, xã Thạch Hưng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Được hỗ trợ học nghề cơ khí trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự, trở về quê hương, nhờ nguồn vốn chính sách, anh Sơn đã mạnh dạn mở xưởng cơ khí. Đến nay, xưởng cơ khí của gia đình anh hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 8 lao động.
Tương tự, Dự án Chế biến các sản phẩm từ dứa, dưa bao tử của Công ty cổ phần Chế biến nông sản Trung Thành (huyện Nông Cống) cũng đã phát huy hiệu quả từ nguồn vốn chính sách. Với số vốn vay ưu đãi 1 tỷ đồng, Dự án duy trì việc làm cho 32 lao động và tạo việc làm mới cho 40 lao động. Hay mô hình nuôi lợn, cá, chế biến thực phẩm sạch của ông Nguyễn Hoài Châu (huyện Hậu Lộc), với số tiền vay 350 triệu đồng, duy trì và tạo việc làm cho 7 lao động; mô hình chăn nuôi dê, bò của ông Phạm Văn Châu (huyện Ngọc Lặc), số tiền vay 300 triệu đồng, duy trì và tạo việc làm cho 6 lao động...
Theo ông Tạ Văn Phương, Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ thiết thực cho các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công, tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại khu vực nông thôn.
“Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ giải quyết và tạo việc làm tại chỗ cho khu vực nông thôn, ngoài việc tăng cường nguồn vốn, điều chỉnh lãi suất đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, cần có sự phối kết hợp với nhiều chương trình cho vay, phát triển kinh tế địa phương khác, tăng cường nội lực từ các địa phương trong giảm áp lực việc làm tại khu vực nông thôn”, ông Tạ Văn Phương cho biết.