Ông Vũ Chí Dũng |
Việc triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực TTCK đến nay đạt những kết quả gì đáng chú ý, thưa ông?
Ngay từ giai đoạn đầu thành lập, TTCK Việt Nam đã có một thuận lợi là năm 2001, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực. Hiệp định này được coi là bước tiến rất lớn thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là cột mốc đánh dấu bắt đầu quá trình mở cửa của TTCK Việt Nam.
Cho đến nay, hàng trăm tổ chức đầu tư Hoa Kỳ đã rót vốn đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư lớn. Nhiều tập đoàn tài chính lớn của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam như: CitiGroup, JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Morgan Stanley…
Việt Nam và Hoa Kỳ cùng tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với cam kết triển khai mở cửa mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có dịch vụ tài chính và dịch vụ chứng khoán. Hai nước cũng đã ký kết Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (DTT) và đang tiến hành hoàn tất thủ tục ký kết Đạo luật Tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài (FATCA), từ đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn hơn cho các NĐT của hai nước.
Về phía cơ quan quản lý, trong quá trình xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam, chúng tôi luôn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ TTCK Hoa Kỳ. UBCK Hoa Kỳ là cơ quan tư vấn hỗ trợ trực tiếp cho UBCK Việt Nam trong xây dựng thế hệ Luật Chứng khoán đầu tiên năm 2007. Tiếp đó, trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Chứng khoán và ban hành các văn bản pháp lý liên quan, các chuyên gia Hoa Kỳ luôn tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm rất hữu ích cho phía Việt Nam.
Hàng năm, UBCK Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam đào tạo, tập huấn các chương trình về thanh tra, giám sát thị trường, nâng cao năng lực quản lý, cập nhật các chuẩn mực quốc tế cho thành viên thị trường. Các Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đều có ký kết các văn bản ghi nhớ hợp tác và chia sẻ thông tin với các Sở GDCK Hoa Kỳ.
Có thể nói, sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực TTCK rất tích cực, được hai bên ghi nhận và đánh giá cao, bởi sự hợp tác đó hướng tới mục tiêu hoàn thiện và phát triển TTCK Việt Nam, đem lại lợi ích cho tất cả thành viên tham gia thị trường.
Tổng thống Mỹ G.W.Bush bắt tay Chủ tịch Sở GDCK TP. HCM Trần Đắc Sinh trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006 |
Trọng tâm của chương trình nghị sự trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Hoa Kỳ là tăng cường quan hệ đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại - đầu tư. Chuyến thăm lần này của ông Obama diễn ra trong bối cảnh Hiệp định TPP đã chính thức kết thúc đàm phán. Tôi tin rằng, thời điểm này, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế - đầu tư với Hoa Kỳ.
Dòng vốn “thông minh” luôn tìm những điểm đến còn nhiều tiềm năng và cơ hội. Khi môi trường đầu tư được cải thiện đi kèm với các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK được hiện thực hóa, sẽ củng cố niềm tin cho họ.
Tại sự kiện xúc tiến đầu tư do Bộ Tài chính và UBCK phối hợp tổ chức tại New York năm 2015, nhiều NĐT Hoa Kỳ đã chia sẻ với chúng tôi ấn tượng về những nỗ lực cải cách kinh tế của Chính phủ Việt Nam để thu hút hơn nữa dòng vốn đầu tư nước ngoài. Họ là những DN đã và đang đầu tư tại Việt Nam và vẫn mong muốn đầu tư nhiều hơn nữa vào thị trường này. Những chuyển biến tích cực về cải cách chính sách thuế, đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN, nới room cho NĐT ngoại, các quy định về tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK đã giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn và tiềm năng trong thời gian tới.
Cũng xin nói thêm rằng, cả hai lần trước đây, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Tổng thống G.W.Bush tới thăm Việt Nam, đều dành thời gian đến thăm Trung tâm GDCK TP. HCM. Qua đó, nền kinh tế và TTCK Việt Nam đã ghi nhận những diễn biến rất tích cực trước và sau các chuyến thăm này. Vì vậy, chúng tôi lạc quan với triển vọng dòng vốn đầu tư Hoa Kỳ và rất mong chờ được chứng kiến sự khởi sắc của TTCK Việt Nam đối với chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama.
UBCK có định hướng và giải pháp gì để tăng thu hút dòng vốn từ Hoa Kỳ chảy vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới?
UBCK đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để thu hút dòng vốn nước ngoài và thúc đẩy sự tham gia của NĐT ngoại nói chung, NĐT Hoa Kỳ nói riêng vào TTCK Việt Nam.
Theo đó, UBCK tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về TTCK. Chúng tôi đã thực hiện rà soát các văn bản pháp quy liên quan để đảm bảo khi các cam kết quốc tế và hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia được ký kết, các nội dung cam kết của Việt Nam sẽ có đủ cơ sở pháp lý để thực thi theo đúng lộ trình đã đàm phán. Các quy định khác như công bố thông tin, tính minh bạch và quản trị công ty theo chuẩn quốc tế cũng được chú trọng nâng cao. Đẩy mạnh triển khai xây dựng TTCK phái sinh, các quy chế, quy trình liên quan, từ đó triển khai hệ thống tại HNX, Trung tâm Lưu ký, tại các CTCK và thử nghiệm với các thành viên thị trường.
Một nội dung được các NĐT nước ngoài rất quan tâm là tiếp tục tái cấu trúc TTCK, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. UBCK sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết quy định về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến đầu tư nước ngoài. Chúng tôi chú trọng phát triển sản phẩm như các sản phẩm trái phiếu, chứng quyền (covered warrant) hay nghiên cứu cho phép phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết để thu hút vốn nước ngoài.
Riêng đối với mối quan hệ hợp tác giữa hai TTCK, với định hướng kích cầu và khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước, UBCK sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBCK Hoa Kỳ chia sẻ thông tin, tham vấn lẫn nhau trong công tác quản lý thị trường, đồng thời hợp tác để tạo thêm các kênh đối thoại và tiếp xúc để các doanh nghiệp, NĐT Hoa Kỳ dễ dàng tiếp cận thông tin về môi trường đầu tư của Việt Nam.