ASEAN được ví như cỗ máy tăng trưởng kinh tế đã và đang thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, dù số lượng các công ty fintech (công ty công nghệ khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính) còn khiêm tốn, nhưng cũng thu hút lượng vốn đáng kể.
Điển hình, Capital Management Group rót 3 triệu USD vào trang điện tử mua sắm hàng hiệu giá rẻ Leflair Vietnam, nâng tổng số vốn hiện tại lên gần 5 triệu USD; Tập đoàn UTC Investment (Hàn Quốc) chi 542 tỷ đồng mua 65% cổ phần của Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT (VNPT Epay) từ VMG Media và một số cổ đông cá nhân; MOL Accessportal mua 50% cổ phần Ngân lượng, NTT Data mua 64% cổ phần Payoo, True Money mua 40% cổ phần của 1Pay, nhóm nhà đầu tư Credit Saison, Golden Gate Ventures và GMO Global Payment Fund mua 25% cổ phần của Bảo Kim… Các thương vụ này đều có giá trị lên đến hàng chục triệu USD.
Hay một số thương vụ đình đám khác diễn ra trong năm 2016 là 2 quỹ đầu tư SCPE và Goldman Sachs rót 28 triệu USD đầu tư vào ví điện tử Momo, Credit China FinTech Holdings Limited sở hữu 51% cổ phần phát của Amigo Technologies.
Tuy nhiên, có rất ít các thảo luận hay công bố về những cơ hội và thách thức mà ngành công nghiệp fintech đang phải đối mặt trong khu vực.
“Khảo sát toàn cảnh về fintech khu vực ASEAN 2018” do EY thực hiện với trên 250 doanh nghiệp fintech tại hơn 10 quốc gia, vừa công bố cho thấy, các doanh nghiệp finTech khá lạc quan về tình hình tăng trưởng trong tương lai của ngành.
Cụ thể, có tới 89% tin rằng khách hàng đã sẵn sàng chấp nhận các dịch vụ của họ, 61% dự kiến sẽ đạt được mức tăng trưởng doanh thu như mục tiêu trong vòng 12 tháng tới và có tới 87% đang có kế hoạch mở rộng thị trường trong vòng 12 tháng tới.
Ngoài các nước Đông Nam Á, những điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp finTech để đẩy mạnh phát triển và mở rộng thị trường là Mỹ, Anh và Trung Quốc.
Mặc dù có khát vọng tăng trưởng mạnh mẽ, các fintech vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về tài chính. Với hầu hết các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu phát triển, họ sẽ cần nhiều vốn hơn cho các giai đoạn tăng trưởng sau này, và 60% doanh nghiệp được khảo sát mong đợi sẽ có 1 triệu USD cho vòng gọi vốn tiếp theo.
Tuy nhiên, 68% trong số doanh nghiệp được khảo sát chỉ có gần một năm để lập kế hoạch và gọi vốn cho tăng trưởng. Trên thực tế, 45% trong số đó tự gọi vốn. Trong khi 76% đủ các kênh huy động vốn, 52% vẫn gặp khó khăn trong vấn đề tự huy động vốn.
Ông Brian Thung, phụ trách thị trường Asean EY chia sẻ, các fintech thường tìm đến các nhà đầu tư mạo hiểm, các ngân hàng để gọi vốn, nhưng các nhà đầu tư này sẽ không chịu rủi ro tín dụng cho các công ty fintech chưa hoạt động được 3 năm. Tuy nhiên, có rất nhiều chương trình vườn ươm startup và xúc tiến startupp. Thậm chí, các kênh của chính phủ cũng là kênh xin tài trợ vốn.
Điều quan trọng nhất các fintech nên tìm cách tiếp cận để mở rộng mạng lưới kinh doanh, tìm kiếm cơ hội từ các nhà đầu tư khác, ví dụ như từ nhà đầu tư mạo hiểm, cũng là những người có thể giúp họ nâng tầm doanh nghiệp.
Trong khu vực, Việt Nam có số lượng các chương trình vườn ươm khởi nghiệp và xúc tiến khởi nghiệp nhiều thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore. Ngoài ra, lợi thế về dân số trẻ và am hiểu về công nghệ cũng là mảnh đất màu mỡ cho các fintech nở rộ.
Tuy nhiên, vẫn có tới 90% khoản thanh toán tại Việt Nam được thực hiện bằng tiền mặt. Các fintech vẫn chỉ khai thác lĩnh vực thanh toán. 47% fintech Việt Nam về dịch vụ thanh toán, cao nhất trong khu vực.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Tài chính và Tư vấn Công nghệ của EY Việt Nam, hiện cũng là Phó Chủ tịch CLB VietFinTech chia sẻ: “Quy mô fintech nhỏ, các chính sách, quy định đối với các công ty này vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, nhiều ngân hàng vẫn dè dặt trong quyết định hợp tác với fintech. Họ không nhận ra rằng, với số người chưa từng mở tài khoản ngân hàng còn nhiều và số người sử dụng smartphone ngày một tăng, fintech chính là cầu nối giúp họ mang các dịch vụ ngân hàng tới nhiều người dân hơn nữa".