Việc Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt FTA đang tạo nên bệ đỡ quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam. Trong ảnh: Công ty TNHH Samil Vina (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: Lê Toàn |
Chuyện “tái ông thất mã” trong thu hút FDI
Một tập đoàn lớn của Mỹ đang có kế hoạch đầu tư một dự án hàng tỷ USD ở châu Á. Hai địa điểm được họ cân nhắc là Trung Quốc và Việt Nam. “Trước tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc, thì có thể, họ sẽ chọn Việt Nam. Tháng 3 tới, tập đoàn này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Cũng theo ông Đỗ Nhất Hoàng, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Hiện tại, không chỉ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ, mà nhiều kế hoạch tới Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài đã bị hủy bỏ.
Nhóm các nhà đầu tư Hàn Quốc và Hoa Kỳ quan tâm đến các dự án điện khí LNG tại Việt Nam có lẽ là một trong hiếm hoi các đoàn doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam vào thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát. Ngày 11/2, họ đã tới Văn phòng Chính phủ để làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về nội dung này.
Không hề giấu tham vọng, ông Chae Heeboong, đại diện Liên danh các nhà đầu tư Hàn Quốc - trong đó có Tổng công ty Khí Hàn Quốc, Công ty Điện Nam Hàn Quốc, Tập đoàn Hanwha… - cho biết, họ muốn đầu tư vào các dự án cảng và nhà máy điện khí LNG tại Việt Nam. Thậm chí, ngoài lĩnh vực điện khí, các nhà đầu tư này còn mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực khác tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rất ủng hộ các kế hoạch trên. Ông còn đề nghị Liên danh các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm đến các dự án điện phía Nam, đặc biệt là ở các địa phương có điều kiện khó khăn. Đồng thời, tập trung nghiên cứu Quy hoạch Điện VII để xây dựng và đề xuất các dự án điện mới, bổ sung vào Quy hoạch.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm đến Việt Nam trong thời điểm này càng chứng tỏ sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam. Chuyện hoãn, hủy các chuyến xúc tiến đầu tư của các nhà đầu tư ngoại chỉ mang tính thời điểm.
Thêm vào đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia còn cho rằng, dịch Covid-19 cho thấy, thế giới đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc, do đó các dòng vốn quốc tế có chất lượng từ xu hướng phân tán rủi ro, sắp xếp lại mạng lưới sản xuất toàn cầu trong đầu tư quốc tế sẽ được đẩy mạnh hơn và “đây là cơ hội cho Việt Nam”.
Có quan điểm tương tự, tờ New York Times cũng dự báo, dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế của Mỹ “có thể được đẩy nhanh hơn” do dịch cúm Covid-19.
Còn ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội, trong cuộc họp báo vào cuối tuần qua cho biết, để phân tán rủi ro, có 122 doanh nghiệp Nhật Bản được JETRO hỏi cho biết, họ đã có kế hoạch chuyển dịch một số hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sang thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
“Việt Nam đứng đầu danh sách, với 42,3% trong số 122 doanh nghiệp nói trên lựa chọn. Xếp sau Việt Nam là Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%) và Indonesia (16,5%)”, ông Takeo Nakajima nói và cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản di dời khỏi Trung Quốc không chỉ vì chiến tranh thương mại, mà còn để “né” chi phí đầu vào ngày càng tăng cao ở thị trường này.
Nhiều cơ hội hút vốn Sau dịch Covid-19
Cơ hội là có thật. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn sẽ bị ảnh hưởng.
Trên thị trường quốc tế, theo dự báo, dòng đầu tư quốc tế vào Trung Quốc và đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong năm 2020, thậm chí có thể sụt giảm mạnh trong quý I/2020. Dịch Covid-19 nếu cộng hưởng với các rủi ro địa chính trị, rủi ro chiến tranh thương mại… cũng khiến cho môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu càng trở nên bất trắc, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co lại, do đó làm suy yếu động lực đầu tư.
Còn ở trong nước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư mới sẽ do dự đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn.
Mặc dù vậy, từ góc độ thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, vẫn còn có những điểm thuận lợi cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới một số thuận lợi về thu hút và dịch chuyển đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chưa kể, việc Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có FTA Việt Nam - EU (EVFTA), cũng đang tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.
Tuy nhiên, trong cả hai kịch bản thu hút đầu tư nước ngoài năm 2020 mà Tổng cục Thống kê xây dựng, thì con số đều thấp hơn so với dự kiến. Nếu không có dịch Covid-19, dự kiến cả năm, Việt Nam sẽ thu hút được 39,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng khi có dịch bệnh, câu chuyện sẽ khác. Nếu dịch kết thúc ở quý I, con số dự kiến giảm xuống còn 38,6 tỷ USD. Nếu dịch kết thúc vào quý II, cả năm sẽ chỉ thu hút được 38,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Điểm tích cực là, ở cả hai kịch bản trên, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng so với con số 38,02 tỷ USD đạt được trong năm 2019. Quý I, Việt Nam cũng đã thu hút được trên 5,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, mọi tính toán đều chỉ là ở phía Việt Nam. Trong thu hút đầu tư nước ngoài, quyết định cuối cùng nằm ở các nhà đầu tư.
“Đây là cơ hội để Việt Nam có chính sách thu hút các nhà đầu tư đang có ý định thu hẹp sản xuất ở nước láng giềng và đầu tư vào Việt Nam. Các đơn vị xúc tiến đầu tư cần chủ động làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới lại tiến hành thủ tục đầu tư”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Bên cạnh đó, về dài hạn, việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sửa đổi chính sách, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới là cần thiết. Thông tin cho biết, hiện Kế hoạch hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị đang được gấp rút hoàn thiện để sớm được ban hành.