Hồi giữa năm nay, Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) đã chọn KCN Đông Mai, Quảng Ninh để mở nhà máy lắp ráp linh kiện màn hình ti vi, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 26 triệu USD |
Đây là khẳng định của ông Tee Boon Teong, Tổng giám đốc Informa Markets in Vietnam tại Hội thảo “Sản xuất tại Việt Nam và sản phẩm made in Vietnam” được tổ chức bởi Informa Markets in Vietnam trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế lần thứ 7 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại dành riêng cho khu vực phía Bắc (MTA HANOI 2019).
Dẫn chứng cho việc vốn FDI vẫn chọn Việt Nam, ông Tee Boon Teong nói, nền kinh tế Việt Nam đã đón lượng vốn FDI đáng kể trong 9 tháng 2019, với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng lưu ý, 9 tháng qua, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được 397 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 10,1 tỷ USD, chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo.
Với nhiều thế mạnh về địa lý, chính sách, lao động… Việt Nam được nhận định sẽ trở thành một thị trường trọng điểm tại châu Á cho nhà đầu tư nước ngoài và điểm đến cho doanh nghiệp di dời cơ sở sản xuất.
Giám đốc Điều hành Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường Toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), ông Suan Teck Kin cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và là một thị trường chiến lược quan trọng của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh vốn như UOB.
Ông Suan Teck Kin khẳng định, ngành sản xuất tại Việt Nam hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài, dù còn không ít thách thức. Nhưng tôi cho rằng, ở đâu có thách thức thì ở đó có cơ hội. “Thương chiến Mỹ-Trung không biết còn kéo dài đến bao lâu, nên các doanh nghiệp vẫn đang dịch chuyển dòng vốn, đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu rủi ro và họ đang kéo đến Việt Nam”.
Sự gia tăng mạnh mẽ của đầu tư trực tiếp nước ngoài, cùng với sự chuyển mình trong chuỗi giá trị, đã mở ra một tương lai cho các ngành sản xuất tại Việt Nam. Đầu tư cho logistics đang được cải thiện, các chính sách ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được cho là 3 yếu tố quan trọng nhất tạo ra động lực phát triển bất động sản công nghiệp.
Phân tích thêm về dòng vốn FDI chọn Việt Nam, thông tin từ Hội thảo chỉ ra rằng, so với các quốc gia trong khu vực châu Á, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, tham gia vào hầu hết các FTA quan trọng, như: CPTPP, EVFTA, và loạt FTA với Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN đã đi vào thực thi. Với những cam kết trong mỗi FTA, các nhà sản xuất đến Việt Nam có nhiều cơ hội tận dụng ưu đãi thuế khi xuất khẩu...
Tất nhiên, băn khoăn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đó là tuyển dụng lao động chất lượng cao, là chi phí tuân thủ, đó là các chi phí thủ tục hành chính, chi phí đầu tư để tuân thủ quy định, phí và lệ phí, chi phí rủi ro pháp lý, chi phí không chính thức.
Dù vậy, khi môi trường đầu tư tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện, cùng với nhu cầu dịch chuyển sản xuất thực sự của các Tập đoàn sản xuất trên toàn cầu, những tồn tại sẽ dần được cởi bỏ, ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu Ngân hàng UOB kỳ vọng.