Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, từ đầu năm đến ngày 20/8, tổng vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào TP.HCM đạt hơn 1,9 tỷ USD, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, cấp mới giấy phép đầu tư có 762 dự án với vốn đăng ký 390 triệu USD, tăng 59,1% về số dự án và tăng 26,2% về vốn so với cùng kỳ.
Singapore là quốc gia dẫn đầu về dự án cấp phép mới với 127 dự án, vốn đăng ký đạt 157 triệu USD, chiếm 40,3% vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc với 61 dự án, vốn đăng ký 56 triệu USD, chiếm 14,3%; Hà Lan với 52 dự án, vốn đăng ký đạt 39,4 triệu USD, chiếm 10,1%...
Dây chuyền sản xuất vật liệu tổng hợp composite của Công ty NIKKISO (Nhật Bản) tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn |
Đối với các dự án điều chỉnh vốn đăng ký có 194 lượt dự án với số vốn tăng 582 triệu USD, tăng 102 % về số dự án nhưng lại giảm 60,4% về vốn so với cùng kỳ.
Đối với dự án góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 1.520 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với tổng vốn góp là 996 triệu USD, tăng 7,6% về vốn so với cùng kỳ.
Singapore và Hồng Kông là hai quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ trọng vốn góp cao nhất lần lượt chiếm 46,2% và 10,8%.
Có thể thấy số vốn FDI đầu tư vào TP.HCM giảm mạnh trong 8 tháng năm 2023 là do nhà đầu tư điều chỉnh vốn đăng ký giảm đến 60,4% dẫn đến số vốn giảm mạnh so với cùng kỳ.
Dù vậy, có một điểm sáng trong thu hút vốn FDI vào TP.HCM là vốn “rót” vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ tăng cao. Trong số 194 lượt dự án điều chỉnh vốn đăng ký thì hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ có 50 dự án, vốn đăng ký tăng 290 triệu USD chiếm gần 50% vốn đăng ký điều chỉnh.
Ngoài ra, trong tổng số 996 triệu USD thu hút được nhờ góp vốn, mua cổ phần thì hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ thu hút được 278 triệu USD, chiếm 28 %, đứng đầu trong các ngành góp vốn, mua cổ phần.
Việc thu hút vốn FDI đầu tư vào các ngành khoa học công nghệ cũng phù hợp với định hướng của TP.HCM trong thời gian tới là thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.