Vốn FDI tiếp tục đổ bộ vào thị trường bất động sản TP.HCM |
Cụ thể, số liệu do bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đưa ra cho thấy. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 8.419 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 45,39 tỷ USD.
Trong đó, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 2,37 tỷ USD (tăng 46,1% so với cùng kỳ).
Trong đó, có 363 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Những dự án này đến chủ yếu ở Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp thành phố cấp 07 dự án; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cấp 01 dự án; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 355 dự án.
Với tổng vốn đầu tư đạt 351,66 triệu USD (tăng 18,6% số dự án cấp mới và bằng 88% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (46,8%); tiếp theo là Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác là chiếm 21%; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 17,4%; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 6,7%; Thông tin và truyền thông chiếm 4,3%.
Dòn vốn này đến chủ yếu từ các quốc gia như British Virgin Islands có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,5%); tiếp theo là Hàn Quốc chiếm 19,5%; Nhật Bản chiếm 10%; Singapore chiếm 5,7%; Hồng Kông chiếm 3,4%.
Cũng trong 4 tháng, TP.HCM đã có 76 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 196,21 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn). So với cùng kỳ, tăng 26,7% số dự án điều chỉnh và tăng 82,7% vốn đầu tư.
Thành phố cũng chấp thuận cho 1.320 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 1,83 tỷ USD (so với cùng kỳ, tăng 30,6% về số trường hợp và tăng 63,2% về vốn đầu tư).
Trong đó, với việc góp vốn, mua cổ phần… thì hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (24%); tiếp theo là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 19,1%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 16,7%; Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 13,2%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 6,5%.