Theo HoREA, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường bất động sản có xu thế tăng dần trong những năm gần đây. Thị trường bất động sản thường giữ vị trí thứ 3 trong việc thu hút vốn FDI và giữ vai trò quan trọng khi bổ sung thêm nguồn vốn cho doanh nghiệp trong xu thế các ngân hàng thương mại đang dần hạn chế cấp tín dụng bất động sản.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, FDI đổ vào bất động sản tại TP.HCM đạt 216,3 triệu USD.
Bất động sản TP.HCM hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Internet. |
Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố có 7.372 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ USD. Các nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản là từ Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Bắc (Trung Hoa), Mỹ và gần đây là Trung Quốc.
FDI cũng tạo nên cho Thành phố một lực lượng doanh nghiệp địa ốc liên doanh có tiềm lực, thế mạnh. Điển hình là Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng; Công ty Nam Long hợp tác với Hankyu Hanshin Toho Group và Nishi Nippon Railroad (Japan); Công ty Tiến Phước, Trần Thái hợp tác với Keppel Land (Singapore); Công ty Tiến Phát hợp tác với Sanyo Home (Japan); Công ty An Gia hợp tác với Creed Group (Japan); Công ty Phúc Khang hợp tác với Mitsubishi Corporation (Japan) và Qũy Genesis Global Capital (Singapore); CII hợp tác với Hongkong Land; Sơn Kim Land hợp tác với Hankyu Hanshin; Capitaland, VinaCapital, Lotte, Dragon Capital...
Không chỉ thu hút tốt FDI, thị trường bất động sản TP.HCM còn thu hút rất mạnh nguồn kiều hối gửi về nước. Trong khi mức kiều hối trung bình cả nước hàng năm ở mức trên dưới 10 tỷ USD, thì chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh đã chiếm khoảng 50%, trong đó có khoảng 21% đầu tư vào bất động sản.